Đồng rúp mất giá, Tết buồn trên đất Nga

Hàng Tết ở một quầy đồ khô.
Hàng Tết ở một quầy đồ khô.
Đồng rúp mất giá, sức mua giảm mạnh khiến việc kinh doanh của các tiểu thương người Việt tại Nga bị ảnh hưởng nhiều, vì thế mà Tết cổ truyền năm nay cũng mang không khí ảm đạm hơn.

Sát Tết, một số gia đình đã và đang lục tục kéo về Việt Nam, vừa tránh được thời kỳ làm ăn khó khăn, vừa thăm nhà và đón xuân ở quê hương. Vé máy bay khứ hồi được đặt trước hai tháng có giá khoảng 40.000 rúp (510 USD). Nếu mua vào thời điểm này, giá vé sẽ cao hơn, khoảng 45.000 rúp (570 USD). Tuy nhiên, nhiều gia đình quyết định không về vì điều kiện kinh tế khó khăn. 

Chị Mai, quê tận miền Nam, bán hàng tại Trung tâm thương mại Dubrovka cho hay: "Cả nhà chúng tôi đã về ăn Tết năm kia, năm nay chắc không về được, vì giá cả đắt đỏ, làm ăn khó hơn trước, đành vậy".

Tại những quầy hàng khô Việt Nam ở Trung tâm thương mại Moscow (chợ Liu), Trung tâm thương mại Sadovod (chợ Chim), khách sạn Mekong, ốp Rư Bắc…vẫn có sẵn lá dong, lạt, mứt tết, rượu Lúa Mới, bánh chưng, nếp cái Hoa Vàng hay nếp Thái, giò chả các loại, bánh đa, miến, măng khô, mộc nhĩ, kẹo bánh…phục vụ bà con ở lại đón Tết cổ truyền.

Dĩ nhiên, giá cả phải tính theo USD nên khá đắt khi quy ra rúp. Chị Hoa, một tiểu thương bán hàng khô lâu năm, cho hay: "Bà con vẫn chỉ mua những thứ thật cần thiết cho Tết thôi. Nhìn chung năm nay mọi thứ kém hẳn. Trong khi tiền thuê cửa hàng của chúng tôi vẫn cao".

Tuy nhiên, dù làm ăn có khó khăn đến mấy thì chiều 30 Tết, bà con ai cũng dành thời gian chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Những người đơn thân ở ghép với nhau cũng góp gạo thổi cơm chung làm một mâm cơm cúng Tết.

Đồng rúp mất giá, Tết buồn trên đất Nga ảnh 1

 Hàng hóa ế ẩm ở Trung tâm thương mại Moscow (chợ Liu). 

Việc bán hàng bận rộn nhưng chiều 30, mọi người thường cắt cử nhau về sớm lo bếp núc, người khác thì vào cánh rừng nhỏ ngoại ô chặt cành cây khô mang về cắt giấy hồng làm cành hoa đào giả cho có không khí Tết quê nhà. Họ không được đốt pháo do đây không phải là ngày lễ ở Nga.

Khi Việt Nam đón giao thừa thì ở Nga đang là 8h tối. Nhiều bà con thắp hương mà nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Ngày mồng một Tết, người tiếc buổi chợ thì vẫn đi làm, ai nặng lòng với Tết thì ở nhà, mời bạn bè đến nhâm nhi chén rượu chúc mừng nhau ngày đầu xuân nơi xa xứ.

Anh Luận, quê Nam Định, bán hàng ở chợ Chim, có vợ và một con trai ở quê nhà, tâm sự: "Em sang Nga được hai năm, làm thuê cho bạn, cũng đã trả đủ tiền đi và làm hộ khẩu, giờ muốn kiếm thêm chút đỉnh nhưng tình hình này nghe chừng cũng khó lắm. Tết nhất thì đành phải chấp nhận xa vợ con thôi".

Một số nhà hàng của cộng đồng người Việt như Nem, Sông Lam, Hồn Việt, Sài Gòn, Hà Nội, Sơn Hà, Hạ Long… cũng tổ chức đón Tết cho bà con nào có nhu cầu với những nghi thức vui xuân mới.

Có lẽ Tết vui nhất là với sinh viên. Dẫu xa nhà nhưng nơi đất khách có bạn bè nên nhiều sinh viên cũng đỡ buồn nhớ. Một số sinh viên cũng đã có gia đình. 

Hòa, sinh viên năm hai trường đại học Hữu nghị các dân tộc (RUDEN) tâm sự: "Học bổng của chúng cháu nếu quy từ đôla ra rúp so với trước đây thì có 'xông xênh' một chút nên cũng đỡ phần nào".

Tại các xưởng may, công nhân được nghỉ chiều 30 Tết. Cũng có xưởng "hào phóng" cho nghỉ cả ngày mồng một. Các ông bà chủ cũng lo tổ chức đón xuân với anh chị em công nhân.

Anh Sơn, quê Nghệ An, một chủ xưởng, cho biết: "Chúng tôi cho họ nghỉ sớm chiều 30 và cả ngày mồng một như chia sẻ với anh chị em công nhân trong ngày Tết cổ truyền dân tộc rồi. Tết dương lịch, chúng tôi cũng tổ chức cho họ vui chơi, ăn uống chu đáo".

Các công nhân trồng trọt tuy vất vả nhưng ngày Tết vẫn được ông bà chủ cho nghỉ chiều 30 làm cơm cúng ông bà và đón giao thừa.

Ở một số thành phố xa như Ulyanovsk, dù việc làm ăn gặp khó khăn nhưng bà con vẫn tổ chức đêm nhạc hội vào 23 tháng Chạp để đón Tết. 

Tết đến xa nhà, lòng người ai cũng nhớ về quê hương nguồn cội, nhất là những người xa xứ. Người Việt tại Nga cũng không là ngoại lệ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.