Tuần trước, giá trị đồng rúp rơi xuống mức thấp kỷ lục do tác động của đợt sụt giảm giá dầu, mặt hàng xương sống của nền kinh tế Nga, và nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến các công ty Nga gần như không thể vay tiền từ thị trường phương Tây.
Nhưng đồng tiền của Nga đã khôi phục giá trị sau khi chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm chặn đà giảm và hạ thấp tỷ lệ lạm phát quá cao sau nhiều năm ổn định. Những biện pháp được triển khai bao gồm tăng mạnh lãi suất, hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, kiểm soát lượng vốn không chính thức, yêu cầu các nhà xuất khẩu dầu khí lớn như Gazprom, Rosneft bán dự trữ ngoại tệ mạnh. Kênh truyền hình Nga Rossiya 24 đưa tin, Gazprom đã bán hơn 50% khoản USD dự trữ của họ.
Dù đồng rúp hồi phục mạnh, nhiều dấu hiệu căng thẳng kinh tế vẫn tồn tại. Hôm qua, ngân hàng trung ương Nga thông báo sẽ cho vay hơn 2 tỷ USD để cứu ngân hàng TRUST khỏi bờ vực phá sản. TRUST là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng tiền tệ và là ngân hàng thứ 11 được chính phủ Nga cứu trong năm nay.
Các nhà đầu tư đang lo về diễn biến giá dầu năm 2015, sau khi giá mặt hàng này mất một nửa từ tháng 6 đến nay: xuống mức khoảng 60 USD/thùng. “Nếu giá dầu xuống 50 USD/thùng, tôi không nghĩ chính quyền có khả năng duy trì giá trị đồng tiền, ngay cả khi các nhà xuất khẩu bán ra nhiều ngoại tệ hơn”, Reuters dẫn lời giám đốc (giấu tên) của một ngân hàng lớn của Nga.
Công ty dịch vụ tài chính Mỹ Standard & Poor’s, một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới, vừa thông báo họ có thể hạ mức xếp hạng tín dụng của Nga vào tháng 1 tới vì sự linh hoạt tiền tệ của nước này giảm nhanh. Ngoài ra, nguồn dự trữ vàng và ngoại hối của Nga xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tuần trước, dự trữ ngoại hối của Nga giảm từ 510 tỷ USD xuống dưới 400 tỷ USD. Theo trợ lý kinh tế Andrei Belousov của Tổng thống Putin, tỷ lệ lạm phát năm nay của Nga là 10,4%, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Người Nga đặc biệt quan tâm tỷ giá hối đoái từ khi Liên Xô sụp đổ, khi đó tỷ lệ siêu lạm phát đã làm mất khoản tiền tiết kiệm nhiều năm của người dân. Những tháng gần đây, ngân hàng trung ương Nga chi nhiều tiền để hỗ trợ đồng rúp, thông qua can thiệp trực tiếp và cho các ngân hàng vay. Khoản tiền dùng để cứu ngân hàng TRUST không được lấy từ nguồn dự trữ mà được giải ngân từ tính thanh khoản của đồng rúp tại ngân hàng trung ương.
Cắt kỳ nghỉ năm mới của các bộ trưởng
Tổng thống Nga vừa hủy kỳ nghỉ năm mới của các bộ trưởng, yêu cầu các bộ tìm cách thúc đẩy nền kinh tế, có biện pháp ứng phó khi giá dầu vẫn lao dốc, phương Tây tiếp tục bao vây, cấm vận… Trong phiên họp chính phủ được phát trên truyền hình, ông Putin nói với các bộ trưởng rằng, họ không được nghỉ từ ngày 1 đến 12/1 như thường lệ. “Đối với chính phủ và các bộ, chúng ta không thể cho phép kỳ nghỉ dài như vậy, ít nhất trong năm nay”, Tổng thống Putin nói. Ông cho rằng, chính phủ có lỗi khi để khủng hoảng tiền tệ xảy ra.
Hãng tin Nga Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm qua nói rằng, cơ quan này chuẩn bị điều chỉnh ngân sách năm 2015 trước dự báo giá dầu chỉ ở mức 60 USD/thùng và tỷ giá hối đoái ở mức 51 rúp “ăn” 1 USD. Ông Siluanov nói Nga sẽ thặng dư ngân sách liên bang vào năm 2017 nếu giá dầu được giữ ở mức 70 USD/thùng.
Ngày 26/12, hãng tin Nga RIA-Novosti dẫn tin từ Bộ Quốc phòng nước này xác nhận, lực lượng chiến lược Nga vừa phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars sử dụng nhiên liệu rắn.