Dữ liệu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, trong hơn một thế kỷ (từ năm 1903 đến 2020), khu vực này chỉ ghi nhận trên 30 trận động đất, trong đó trận mạnh nhất 3.9 độ. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi từ tháng 4/2021, sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, khiến huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trở thành điểm nóng với hàng trăm trận động đất ghi nhận trong hơn 3 năm qua.
Thủy điện Thượng Kon Tum |
Trận động đất trưa 28/7 với độ lớn 5.0 độ, gây rung chấn mạnh, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều cảm nhận được rung lắc. Trong thời gian từ 28/7 đến chiều 31/7, gần trăm trận động đất xảy ra ở khu vực này, bao gồm các tiền chấn và dư chấn sau động đất chính.
Một số mảng vữa, gạch ốp nhà bà Y Môn (ở Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum), bị rơi xuống |
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn huyện Kon Plông có tới 6 công trình thủy điện, 125 công trình thủy lợi, 23 đập dâng. Trong đó có 3 công trình thủy điện có hồ chứa: thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re.
Ông Lê Năng - Phó Giám đốc Cty CP Thủy điện Đăk Đrinh cho biết, theo thiết kế hồ Đăk Đrinh chịu được động đất trên 7 độ richter. Ngay sau khi động đất xảy ra, trận mạnh nhất trưa 28/7, đơn vị đã kiểm tra tất cả các vị trí, xác định chưa có gì bất thường, không ảnh hưởng tới an toàn hồ đập công trình. Cùng với đó, thủy điện đã lắp đặt nhiều loại thiết bị quan trắc động đất tại hồ chứa như thiết bị đo áp lực thấm, lưu lượng nước thấm; xây dựng quy trình phòng chống bão lũ, thiên tai và có phương án ứng phó khi xảy ra sự cố.
“Hiện tại, lượng nước trong hồ chỉ đạt 40% dung tích thiết kế. Do đó, nói rằng động đất kích thích nguyên nhân do thủy điện là không phù hợp. Bởi hiện nay động đất dày đặc dù các hồ đang ở mức nước thấp nhất, trong khi thời điểm Tết nước đầy hồ thì không thấy động đất”, ông Năng cho biết.
Theo ông Trần Công Đàm - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện được thiết kế chống động đất 7 độ richter. Khi thiết kế công trình thường áp dụng cường độ lớn nhất của động đất tự nhiên để đưa vào thiết kế. “Đến nay đơn vị chưa nhận được bất cứ kết luận gì về nguyên nhân gây ra động đất tại khu vực là do hồ chứa”, ông Đàm nói.
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum thông tin, hiện chưa có kết luận nào về việc hồ chứa nước gây ra động đất tại Kon Tum. Tỉnh Kon Tum đang đề nghị Viện Vật lý địa cầu nghiên cứu, ban hành kết luận cuối cùng. Theo ông Nhất, chưa thể khẳng định hồ nào là nguyên nhân chính gây ra động đất. Phải xác định được đơn vị cụ thể gây ra động đất mới có cơ sở yêu cầu bồi thường, hỗ trợ thiệt hại.
Xã Đăk Tăng được xem là trung tâm chấn động của trận động đất. Qua thống kê đến nay, trận động đất vào trưa 28/7 rất may không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đã làm hư hỏng ti vi của một hộ dân, một số điểm trường học và trụ sở làm việc, nhiều nhà dân bị rạn nứt.
Thấp thỏm ngày đêm
Đã 14 năm sinh sống tại khu tái định cư Đăk Tăng, bà Y Môn (63 tuổi), dần quen với những trận động đất. Tuy nhiên, trận động đất vào ngày 28/7 đã khiến bà một phen “hú hồn”. Bà cho hay, nhà xây dựng gần chục năm nên khi động đất mạnh, một số mảng vữa, gạch ốp bị rơi xuống; dọc tường xuất hiện nhiều vết nứt chân chim. Sau một ngày, gia đình vẫn ra đồng thu hoạch lúa cho đúng vụ.
“14 năm sống chung với động đất quen rồi. Thời điểm xảy ra động đất mạnh làm mọi người “hú hồn” một lúc. Sau động đất, nhà nào có dấu hiệu bị ảnh hưởng, cán bộ xã sẽ xuống kiểm tra, hỗ trợ sửa chữa những hư hỏng, nhắc nhở gia cố nhà. Tôi già rồi, đêm hôm ngủ cứ lo động đất, thấp thỏm giật mình không ngủ nổi”, bà Y Môn nói.
Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông thông tin, với độ lớn động đất hiện nay chưa gây ra thiệt hại về người, chỉ một số công trình xây dựng quy mô nhỏ hoặc có thời gian sử dụng tương đối lâu mới xuất hiện vết rạn nứt. Trong đó, một số nhà cửa có vết rạn nứt cũ, nhưng do động đất nên vết rạn nứt dài hơn. Trước mắt, huyện chỉ đạo các ngành chức năng sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của huyện, xã để hỗ trợ khắc phục kịp thời những công trình bị hư hại, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Đồng thời, các thành viên ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện, xã xuống từng thôn tuyên truyền, vận động, giải thích. Theo ông Tín, hiện tâm lý người dân đã ổn định trở lại, tiếp tục lao động sản xuất.
Sau động đất, mạch nước ngầm phun cao 20m
Mạch nước ngầm phun cao sau dư chấn động đất |
Ngày 31/7, ông Đàm Xuân Hòa (trú làng Klă, xã Ia Kly, huyện Chư Prông, Gia Lai) cho biết, giếng khoan của gia đình bất ngờ có mạch nước ngầm phun lên khỏi mặt đất, tạo thành cột cao hơn 20m, với áp lực mạnh hai ngày nay, chưa có dấu hiệu giảm. Đây là giếng nước cũ, trước đây gia đình ông Hòa đã khoan 1 lần nhưng không có nước. Gần đây, ông định kéo ống lên để khoan vị trí khác nhưng nghe tiếng phun hơi nên quyết định khoan thêm và xảy ra hiện tượng phun khí, kèm nước lên khỏi mặt đất.
“Trưa qua, trong lúc đang khoan giếng phát hiện giàn khoan bị hơi nước đẩy lên, thấy lạ nên tôi quyết định kéo toàn bộ ống khoan lên. Sau đó, giếng nước phun lên dữ dội, kèm bùn đất và đá nhỏ. Nhiều hòn đá bay xa hàng chục mét. Giờ chỉ biết chờ giếng ngừng phun, chứ không có cách nào bịt được miệng giếng” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, sự việc trên xảy ra sau đợt dư chấn động đất tại tỉnh Kon Tum ngày 28/7, UBND xã Ia Kly đã gửi báo cáo cho UBND huyện, Phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT huyện biết và chỉ đạo.
TiỀN LÊ