Đóng băng Hiệp ước Bầu trời mở, Mỹ ‘tự bắn vào chân mình’

Máy bay Tu-214 ON. Ảnh: Sputnik
Máy bay Tu-214 ON. Ảnh: Sputnik
TPO - Tướng về hưu kiêm chuyên gia quân sự Nga Evgeny Buzhinsky cho rằng việc Mỹ ngừng cấp kinh phí cho việc thực hiện Hiệp ước Bầu trời mở không khác nào hành động “tự bắn vào chân mình”.

Trả lời RT, ông Evgeny Buzhinsky cho rằng Mỹ quyết định “đóng băng” Hiệp ước Bầu trời mở chủ yếu vì máy bay không quân của nước này đã quá cũ kĩ và không còn khả năng thực hiện các chuyến bay quan sát.

“Chúng tôi đã chế tạo hai máy bay có thể đáp ứng Hiệp ước Bầu trời mở, được trang bị các thiết bị kĩ thuật số, là Tupolev Tu-214ON. Trong khi đó, họ vẫn dùng máy bay cũ”, ông Buzhinsky nói. “Người Mỹ không muốn tự đặt mình vào thế yếu như vậy.”

Cũng theo ông Buzhinsky, Washington không hề muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Những gì mà quân đội Mỹ sẽ làm là ngừng các hoạt động bay quan sát lãnh thổ Nga, đồng thời từ chối yêu cầu tương tự của quân đội Nga.

“Họ có thể làm bất cứ điều gì với trào lưu chống Nga này. Thậm chí tự bắn vào chân mình”, ông Buzhinsky nói.

Trước đó, hôm 13/8, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019 trị giá 716 tỉ USD.

Đạo luật chỉ rõ Mỹ sẽ không chi bất cứ khoản tiền nào để thực hiện Hiệp ước Bầu trời mở cho đến khi Nga phải chịu hình phạt vì những hành động vi phạm hiệp ước trước đó.

NDAA 2019 cũng được cho là sẽ đe dọa đến cam kết của Mỹ theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START), được ký giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.

Theo hiệp ước, Nga và Mỹ đồng ý mỗi bên không sở hữu quá 800 vũ khí bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược. Hiệp ước cũng giới hạn số đầu đạn hạt nhân được triển khai là 1.550 mỗi bên, đồng thời yêu cầu Washington và Moscow trao đổi thông tin về kho vũ khí hạt nhân của mình.

Dù vậy, theo ông Buzhinsky, Lầu Năm Góc từng nhất trí phản đối việc Mỹ rời bỏ hiệp ước START.

“Mỹ đã quen với việc trao đổi thông tin, qua đó họ có thể kiểm tra tình trạng các tên lửa của Nga. Họ sẽ gặp khó khăn nếu hiệp ước bị phá huỷ.”

“Hãy đợi xem sẽ có điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một cuộc chạy đua vũ trang sẽ khó có thể xảy ra, vì cả Mỹ và Nga đều vẫn rất tỉnh táo. Trở lại những năm 1960, cả 2 phía đều nhận thấy rằng chẳng có nghĩa lý gì khi huỷ diệt quả địa cầu tới 10 lần, chỉ cần 1 lần là quá đủ.”

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG