Đón làn sóng đầu tư gián tiếp thứ ba

Đón làn sóng đầu tư gián tiếp thứ ba
Các chuyên gia tài chính dự báo đang có làn sóng thứ ba của các quĩ đầu tư nước ngoài đổ vào VN. Đây là những quĩ đầu tư có tên tuổi lớn, có lịch sử hoạt động lâu đời.

Trên diễn đàn chứng khoán Vietstock, một thành viên gửi lên câu hỏi: “Các bạn có biết khi nào quĩ VF1 chốt danh sách cổ đông không để tôi biết mà mua vào kẻo trễ?”. Đó cũng là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư khi thời điểm VF1 gút danh sách cổ đông hiện hữu để phân bổ thêm chứng chỉ quĩ trong đợt tăng vốn mới đang đến gần.

Cho đến nay, VF1 vẫn là quĩ duy nhất huy động vốn từ công chúng để đầu tư chứng khoán tại VN, mặc dù đã có đến hàng chục quĩ đầu tư trong và ngoài nước đang cạnh tranh trên sân chơi này.

Công ty quản lý quĩ Prudential cũng vừa cho biết sẽ “nối gót” VF1. Một lãnh đạo của Prudential cho biết Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho Prudential được thành lập quĩ công chúng để huy động vốn tại VN. Như vậy, nhà đầu tư sẽ có thêm sự chọn lựa bên cạnh VF1 vì mua chứng chỉ quĩ vẫn được xem là phù hợp với những người có vốn nhàn rỗi nhưng không thể trực tiếp tham gia đầu tư chứng khoán.

Hàng loạt các công ty quản lý quĩ khác cũng đang rục rịch thành lập quĩ thứ hai, thứ ba... nhưng hầu hết đều lập quĩ thành viên (có tối đa 49 thành viên, trong đó mỗi pháp nhân góp tối thiểu 5 tỉ đồng và cá nhân góp tối thiểu 1 tỉ đồng). Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ các công ty quản lý quĩ chuộng quĩ thành viên hơn quĩ công chúng vì thủ tục thành lập đơn giản hơn nhiều (chỉ cần 20 con dấu, trong khi quĩ công chúng cần đến... 32 con dấu).

Trong khi đó, theo bà Đỗ Sông Hồng, phó tổng giám đốc quản lý quĩ VF1, việc quản lý quĩ công chúng có quá nhiều áp lực do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu hết tính chất hoạt động của quĩ, việc quản lý nhà đầu tư tốn rất nhiều công sức. Bà Hồng cho biết: “Mới thành lập VF1 có 1.000 nhà đầu tư, cuối tháng sáu này sơ bộ chốt lại danh sách đã lên đến 3.000 người, trong đó có 200 nhà đầu tư chỉ sở hữu... 10 chứng chỉ quĩ”.

Chuẩn bị đón người mới

Với danh sách các công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngày càng dài ra, hoạt động của các quĩ đầu tư tại VN cũng trở nên sôi động hơn bao giờ kể từ khi VN lần đầu tiên tiếp cận với hình thức đầu tư này vào đầu những năm 1990. “Làn sóng” đầu tiên bao gồm bảy quĩ đầu tư từ nước ngoài vào với số vốn huy động khoảng 700 triệu USD.

Nhưng những Vietnam Lazard Fund, Templeton VN, Beta Fund... đã lần lượt rút dần sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, để lại duy nhất quĩ Vietnam Enterprise Investment Fund (VEIL) do Công ty Dragon Capital quản lý.

“Làn sóng” thứ hai được khởi động lại từ năm 2002 với sự xuất hiện của quĩ Mekong Enterprise Fund với số vốn 18,5 triệu USD. Từ đó đến nay, VN đã tiếp nhận thêm hơn 10 quĩ với tổng số vốn đã vượt qua con số 1 tỉ USD, trong đó mới nhất là quĩ Vietnam Holding có số vốn 112 triệu USD, với 60% được huy động từ các nhà đầu tư Thụy Sĩ.

Một chuyên gia tài chính khẳng định có sự khác biệt rất lớn giữa hai “làn sóng” đầu tư này.

“Làn sóng” đầu tiên được gọi là những quĩ đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đến VN khi khung pháp lý đầu tư chưa hoàn thiện và việc tìm dự án đầu tư hết sức khó khăn khiến hầu hết đều thất bại.

“Làn sóng” thứ hai là những nhà đầu tư từ nước ngoài nhìn thấy cơ hội kiếm lợi nhuận lớn từ VN khi quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang đi vào chiều sâu nhưng các cơ quan quản lý lại thiếu kinh nghiệm trong việc định đúng giá trị doanh nghiệp.

Các chuyên gia tài chính đang kỳ vọng vào “làn sóng” quĩ đầu tư thứ ba từ nước ngoài sẽ đổ vào VN khi Chính phủ chính thức cho phép thành lập chi nhánh công ty quản lý quĩ nước ngoài cùng với việc gia nhập WTO. Đó sẽ là những quĩ nổi tiếng, hoạt động lâu đời ở những quốc gia phát triển.

Một chuyên gia của Thụy Sĩ nhận xét: “Tôi tin làn sóng đầu tư thứ ba của VN rồi sẽ đến vì VN đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có qui mô lớn như Ngân hàng Ngoại thương VN, Ngân hàng Đầu tư phát triển VN, MobiFone, Vinaphone...”.

Ông Robert Rountree, giám đốc bộ phận dịch vụ đầu tư Công ty quản lý quĩ Prudential châu Á, khẳng định: “Tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn của VN cho thấy khả năng tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Đó là lý do vì sao các quĩ đầu tư nước ngoài đang tìm đến với VN”.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG