Đòn kinh tế

Đòn kinh tế
TP - Không như những nội dung bàn thảo khác, câu chuyện TPHCM dự định dùng “đòn kinh tế” đánh mạnh vào những đối tượng đua xe trái phép lập tức nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ trước hết là các đại biểu HĐND, và chắc chắn cũng sẽ được đông đảo người dân đồng tình.

> Đua xe bị xử tù

Tăng mức phí trông giữ phương tiện đua lên mức rất cao so với hiện nay (từ 5.000 đồng lên 500.000 đồng/ngày, tức là tăng tới 100 lần), thậm chí nếu được Quốc hội và Chính phủ ủng hộ, thành phố sẽ quyết liệt tịch thu phương tiện vĩnh viễn.

Sự tán đồng với chủ trương này thật là dễ hiểu, bởi có lẽ trừ giới đua xe "lậu", chẳng ai có thể chấp nhận những hành vi càn quấy, gây mất trật tự, an ninh xã hội với quy mô đông người, không những gây mất an toàn đối với bản thân những kẻ đua xe mà quan trọng là mang đến nguy hiểm, thậm chí cướp đi tính mạng của những người dân, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp.

Nạn đua xe trái phép tồn tại dai dẳng còn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, là biểu hiện của sự kém văn minh nếu không muốn nói là những hành vi càn rỡ, vô chính phủ, thách thức hệ thống pháp luật và quyền lợi chính đáng của công dân là được bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản.

Hơn nữa, "đòn đánh kinh tế"mà UBND TPHCM muốn áp dụng có thể là biện pháp mềm dẻo nhưng không kém "uy lực": nếu bị giam xe trong 10 ngày, với mức phí giữ phương tiện 500.000 đồng/ ngày, số tiền mà quái xế phải nộp phạt không hề nhỏ nếu so với giá trị chiếc xe.

Và chắc chắn sẽ không có chút thương xót nào từ cộng đồng xã hội đối với những đối tượng coi thường luật pháp, coi thường tính mạng của người khác.

Tất nhiên, ý tưởng của một đại biểu HĐND đề nghị xem xét khả năng xây dựng trường đua cho những người ham mê tốc độ cũng cho thấy vấn đề được mổ xẻ ở nhiều khía cạnh, nhưng có lẽ khả năng thực thi không cao, bởi xã hội còn nhiều việc phải dành công sức, tiền của đầu tư trong khi nguồn lực có hạn và chuyện đua xe hay đam mê tốc độ không phải là nhu cầu của đại bộ phận dân chúng.

Mặc dù ý tưởng chống đua xe bằng biện pháp kinh tế nói trên rất đáng được ủng hộ, cũng cần bàn kỹ những khía cạnh khác nhau để khi thực thi giảm thiểu những vấn đề phát sinh. Cần có quy định cụ thể hành vi như thế nào được gọi là đua xe trái phép, điều khiển xe chạy thành đoàn như thế nào bị coi là trái luật.

Hay như ý tưởng xem xét cả trách nhiệm liên đới của chủ xe chứ không chỉ người đua xe đã ổn chưa, có vi phạm quyền cơ bản của công dân khi sở hữu tài sản hay không. Vì nói cho cùng, chiếc xe là vật vô tri giác, nó chỉ trở thành phương tiện vi phạm pháp luật khi người ta dùng nó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG