Đòn không kích của Nga tạo lợi thế trên bàn đàm phán

Binh sĩ quân đội chính phủ Syria nã pháo trong trận chiến gần Latakia. Ảnh: AP
Binh sĩ quân đội chính phủ Syria nã pháo trong trận chiến gần Latakia. Ảnh: AP
Với những thành quả đạt được trên chiến trường, Nga và chính phủ Syria sẽ không dễ dàng nhượng bộ trước phương Tây trên bàn đàm phán hòa bình.

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria trong thời gian qua đã giúp quân đội chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành được những thắng lợi trên thực địa, đủ để gây sức ép đáng kể cho Mỹ và các nước phương Tây trên bàn đàm phán hòa bình dự kiến vào ngày 25/1 tới nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở mảnh đất Trung Đông này, theo Washington Post.

Các chiến thắng này có quy mô nhỏ, rất vất vả để giành được và nhìn chung không mang lại quá nhiều lợi thế về mặt lãnh thổ, nhưng nó cho thấy quân đội của ông Assad không hề suy yếu và "sắp sụp đổ" như những gì Mỹ và các đồng minh vẫn hy vọng.

Các cuộc không kích suốt hơn 4 tháng qua của Nga đã phát huy hiệu quả đến mức nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Syria có cần thiết hay không, khi giờ đây ông Assad và các lực lượng đồng minh dường như đang rất tự tin rằng họ có thể giành được chiến thắng trên chiến trường trước phe đối lập và cả phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

"Diễn biến trên chiến trường Syria chắc chắn không có lợi cho các cuộc đàm phán ở thời điểm này", chuyên gia Lina Khatib ở tổ chức Sáng kiến Cải cách Arab có trụ sở tại Paris, nói.

Theo giới phân tích, không có lý do gì để chính phủ Syria và Nga tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ cả trước và trong khi tiến hành đàm phán.

Với việc quân đội Syria và đồng minh đang liên tiếp giành thắng lợi trên nhiều mặt trận ở miền bắc, miền nam và miền trung nhờ sự hỗ trợ của chiến đấu cơ Nga, ông Assad hiện không còn chịu áp lực phải rút lui nữa. Gần đây, Mỹ đã chấp nhận từ bỏ yêu cầu tiên quyết mà họ theo đuổi bấy lâu là buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực trước khi bắt đầu đàm phán.

Theo Khatib, dường như cả Nga và chính phủ Syria muốn có thêm thời gian để tiếp tục nghiền nát phe đối lập. "Chiến lược của Nga là làm suy yếu phe đối lập Syria đến mức họ bị xóa sổ, để một lúc nào đó, Nga có thể tuyên bố rằng không còn phe đối lập nào để đàm phán", bà nói.

Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria gặp nhiều khó khăn từ tháng 10/2015, khi quân chính phủ Syria vấp phải sự kháng cự quyết liệt phe đối lập được trang bị các tên lửa chống tăng TOW do Mỹ và Arab Saudi cung cấp. Quân đội Syria rơi vào thế bế tắc khi gần như không thể giành lại được bất cứ vùng lãnh thổ nào từ tay phe đối lập.

Theo thời gian, các cuộc không kích của Nga đã phát huy hiệu quả. Phe nổi dậy cho biết việc cung cấp tên lửa chống tăng TOW đã bị suy giảm do Nga tăng cường không kích với mật độ dày đặc. Chiến đấu cơ Nga liên tục không kích tuyến đường chi viện từ Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt con đường tiếp tế vũ khí và lương thực cho phe nổi dậy.

Điều này tạo điều kiện cho quân đội Syria tiến lên, giành được thắng lợi trên một số mặt trận quan trọng. Sau khi đẩy lui được quân nổi dậy khỏi một loạt các ngôi làng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc tỉnh Latakia, hồi cuối tuần họ tái chiếm thị trấn Salma bị phe nổi dậy kiểm soát gần ba năm qua. Quân đội Syria đã áp sát thành phố chiến lược Aleppo và đã bắt đầu gây áp lực lên lực lượng nổi dậy ở một số thành trì của họ ở miền nam Syria.

Trở ngại cho đàm phán

Các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến bắt đầu ở Geneva vào tuần tới đang gặp trở ngại lớn khi Nga và Mỹ, những nước bảo trợ chính, vẫn còn bất đồng về những ai sẽ được mời dự.

Chính phủ Nga và Syria phản đối danh sách được Mỹ ủng hộ về thành phần các phái đoàn đối lập, gồm đại diện của một vài nhóm nổi dậy lớn từng gặp nhau ở thủ đô Riyadh của Arab Saudi tháng trước. Cả Nga và Syria đều nói rằng họ sẽ không đàm phán với những người họ coi là "phần tử khủng bố".

Đòn không kích của Nga tạo lợi thế trên bàn đàm phán ảnh 1

Đại diện phe đối lập Syria nhóm họp tháng 12/2015 tại Arab Saudi Arabia.  Ảnh: Alarabiya

Về phần mình, Nga muốn thành phần tham gia đàm phán phải là nhóm đối lập đã được chính phủ Syria chấp nhận, cùng đại diện của lực lượng người Kurd ở Syria.

Hôm 18/1, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq tuyên bố tổ chức này sẽ không đưa ra các lời mời tham dự đàm phán hòa bình nào cho đến khi Nga và Mỹ nhất trí về việc ai sẽ là người đại diện cho phe đối lập. Ông cũng không loại trừ khả năng cuộc đàm phán hôm 25/1 tới có thể bị hoãn lại.

Cuối tuần qua, một tổ chức gồm 33 nhóm đối lập ở Syria đã đưa ra tuyên bố cho biết họ sẽ không tham gia đàm phán nếu Nga và Syria không ngừng không kích các mục tiêu đối lập, thả tù nhân chính trị và gửi hàng hóa cứu trợ nhân đạo tới các thị trấn bị bao vây như Madaya, nơi người dân đang chết dần chết mòn vì nạn đói.

Nếu các cuộc đàm phán không sớm diễn ra, đây sẽ là một trở ngại lớn đối với mục tiêu chủ chốt trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama. Sau thỏa thuận hạt nhân Iran, việc chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở Syria đã nổi lên là một trong số những ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Các quan chức Mỹ thừa nhận sẽ không thể đạt được mục tiêu đánh bại IS và ngăn chặn làn sóng người Syria tị nạn nếu không kết thúc được cuộc nội chiến cho đến nay đã cướp đi hơn 250.000 sinh mạng và khiến hơn 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo Jeff White, chuyên gia phân tích quân sự ở Viện chính sách Trung Cận Đông ở Washington, dù cuộc đàm phán hòa bình diễn ra, các bên cũng khó có thể hướng tới một giải pháp thực chất trong bối cảnh cán cân quyền lực trên chiến trường đang nghiêng hẳn về ông Assad.

"Trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì để một liên minh mạnh chấp nhận đàm phán cho một giải pháp hai bên cùng có lợi mà không ra những điều kiện của riêng mình. Cuộc đàm phán sẽ thất bại vì phe đối lập sẽ từ chối giải pháp kiểu đầu hàng, hoặc các lực lượng trên chiến trường sẽ tiếp tục chiến đấu", chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG