Dự chương trình có anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN; ông Nguyễn Thành Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH&CN.
Toạ đàm là hoạt động khởi đầu trong chuỗi chương trình kỷ niệm 20 năm Giải thưởng KHCN QCV và trao Giải thưởng QCV, Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.
Phát biểu tại toạ đàm, anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN cho biết, trong suốt 20 năm qua, Giải thưởng KHCN QCV đã tôn vinh những tài năng trẻ xuất sắc nhất trong cộng đồng khoa học công nghệ trẻ Việt Nam. Các tài năng trẻ Việt Nam đã làm được với nhiều công trình, ý tưởng nghiên cứu đột phá ứng dụng vào thực tiễn trong các lĩnh vực công nghệ mà giải thưởng xét trao giải.
Theo anh Triết, các công trình nghiên cứu, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ KHCN của các thế hệ QCV, đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các thách thức trong nước, cũng như toàn cầu về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, vật liệu mới và nhiều lĩnh vực khác.
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Châu Linh |
“Các thế hệ tài năng trẻ QCV được tôn vinh đã chứng minh rằng, không có giới hạn nào đối với tiềm năng của thế hệ trẻ Việt Nam trong khoa học công nghệ, khẳng định sự đóng góp của mình trên nhiều phương diện và là nguồn nhân lực khoa học công nghệ quan trọng đối với sự phát triển nền khoa học công nghệ cũng như kinh tế - xã hội của đất nước”, anh Triết nói.
20 năm qua, nhiều chủ nhân QCV đã trưởng thành, được giao các vị trí quản lý quan trọng tại các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ như: PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN (QCV 2006); TS Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT (QCV 2010); PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội (QCV 2007); TS Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng (QCV 2004)...
Toàn cảnh tọa đàm và các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Châu Linh |
Ban tổ chức chủ trì toạ đàm. Ảnh: Châu Linh |
Hình thành nhà khoa học hàng đầu, tổng công trình sư tương lai
Trao đổi tại toạ đàm, TS. Trần Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục năng lượng nguyên tử - Bộ KH&CN (QCV 2009) đánh giá, Giải thưởng QCV đã có sự lan toả sâu rộng và có nhiều đổi mới để thu hút, tôn vinh các tài năng trẻ. TS. Tuấn đề xuất cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi, để làm sao xây dựng được cơ chế, chính sách ngày càng toàn diện, mang tính đột phá nhằm ươm mầm, phát huy tài năng QCV có thể trở thành nhà khoa học đầu đàn, tổng công trình sư trong tương lai.
TS. Tuấn đề xuất T.Ư Đoàn có thể nghiên cứu hình thành các Quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, thông qua đó các công trình nghiên cứu có thể sớm được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội hướng tới thành lập Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên chính công trình của các cá nhân đoạt giải thưởng.
TS. Trần Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục năng lượng nguyên tử - Bộ KH&CN (QCV 2009, bên trái ảnh) và TS. BS. Đỗ Xuân Hai, Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật thực hành, thực nghiệm Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng y khoa - Học viện Quân y (QCV 2012, bên phải ảnh) tham luận tại chương trình. Ảnh: Châu Linh |
Khẳng định uy tín, giá trị của Giải thưởng QCV, TS. BS. Đỗ Xuân Hai - Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật thực hành, thực nghiệm Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng y khoa - Học viện Quân y, chủ nhân QCV 2012, cho rằng cần nâng cao chất lượng giải thưởng hơn nữa.
Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải tạo ra được sân chơi công bằng, minh bạch, chọn được những tài năng trẻ thực sự đủ đức, đủ tài, có thể chiếm lĩnh vị trí hàng đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo từng chuyên ngành. Đồng thời, Ban tổ chức cần đơn giản hóa các thủ tục, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI trong đánh giá công trình khoa học, các kết quả khoa học tiêu biểu và những định hướng gắn với thực tiễn đời sống của nhân dân.
Các nữ sinh đạt giải Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023. Ảnh: Châu Linh |
Không để cơm áo gạo tiền "đè nặng" cuộc sống của nhà khoa học
ThS. Nguyễn Đồng Long, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone - QCV 2010 cho rằng, cần tạo ra được vị thế chính trị cho các nhà khoa học. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản.
Anh Long hiến kế, có thể thành lập Hội đồng hiến kế QCV do T.Ư Đoàn, Bộ KH&CN và các chủ nhân QCV các thời kỳ tham gia. Hội đồng và các thành viên hoạt động có thù lao để gắn trách nhiệm khi quốc gia, quốc tế có vấn đề xảy ra cần sự chung tay của các nhà khoa học thì các thành viên Hội đồng cùng phát huy chất xám của mình để giải quyết.
Bên cạnh nâng vị thế chính trị, ThS. Đồng Long đề xuất kết nối giải pháp phát triển kinh tế cho các nhà khoa học trẻ. Theo đó, Ban tổ chức có thể kết nối các chủ nhân QCV với các doanh nghiệp để có sự đồng hành, hỗ trợ phát triển các đề tài, công trình nghiên cứu.
ThS. Nguyễn Đồng Long - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone, QCV 2010 chia sẻ tại chương trình. |
“Với những công trình, sản phẩm, đề tài có giá trị thì các QCV được hỗ trợ kinh phí để phát triển để họ tập trung sống được với đam mê nghiên cứu khoa học. Còn để các nhà khoa học bị mối lo cuộc sống cơm áo đè nặng thì khó sống được với đam mê”, anh Long nói.
Đồng tình với ý kiến của anh Long, nhiều QCV cho rằng khoa học giải quyết được vấn đề thực tế thì mới có sức sống. Anh Hồ Xuân Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Giám đốc Công ty TNHH ABACA Việt Nam (QCV 2020), chia sẻ với kinh nghiệm đang điều hành 2 doanh nghiệp, anh sẵn sàng đồng hành với các nhà khoa học trẻ thương mại hoá đề tài nghiên cứu, thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ.
PGS. TS. Đào Việt Hằng, Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (QCV 2021) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Châu Linh |
Ngoài ra, PGS. TS. Đào Việt Hằng, Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (QCV 2021) góp ý kiến, mỗi nhà khoa học sẽ có thế mạnh riêng và rất chuyên sâu, trong khi đó muốn được vươn ra thế giới hoặc công trình đi được đến thực tiễn lại là con đường dài và cần sự ủng hộ, chung tay không chỉ của cộng đồng mà còn các nhà hoạch định chính sách.
“Sản phẩm khoa học có được phép sử dụng hay không, cơ chế, pháp lý, kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu của mình hay làm sao để bảo vệ tính toàn vẹn, chất xám khi xây dựng bằng sáng chế... là những trăn trở chung của các nhà khoa học”, PGS, TS. Đào Việt Hằng nói và đề xuất, rất cần sự kết nối để tạo nên hệ sinh thái, môi trường nghiên cứu khoa học bền vững.