Đội thợ xây trên đảo

Chiến sĩ đảo Phan Vinh A đón mẹ ra thăm đảo
Chiến sĩ đảo Phan Vinh A đón mẹ ra thăm đảo
TP - Tàu HQ 996 rời đảo Trường Sa Đông đi đảo An Bang. Đảo An Bang nằm trên thềm san hô ngập nước, chiều dài khoảng 220 m, chiều rộng phân bố không đều, chỗ rộng nhất khoảng 100 m, hẹp nhất 15m.

> Mặn mòi nước mắt Biển Đông

Chiến sĩ đảo Phan Vinh A đón mẹ ra thăm đảo
Chiến sĩ đảo Phan Vinh A đón mẹ ra thăm đảo.
 

Bờ đảo được bao bọc bởi các tảng san hô lớn. Do cấu trúc san hô của đảo dựng đứng nên bốn mùa sóng vỗ, việc ra vào đảo gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ chiến sỹ vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào được đảo.

Theo lịch trình đã định, khi đến đảo An Bang, thuyền trưởng cho ca nô chở thân nhân cán bộ chiến sỹ vào đảo, sau đó tiếp tục hành trình tới đảo Phan Vinh. Thêm một đêm lênh đênh trên biển. Phòng chúng tôi ở tầng dưới, thấp hơn mạn tàu nên hơi nóng. Mấy anh em ôm chiếu lên boong tàu nằm ngắm trăng sao.

Trăng hạ tuần mảnh mai, cong cong như lưỡi liềm trên nền trời trong vắt. Sao đầy trời. Bỗng ai đó kêu lên: Sao băng kìa! Một vệt sáng lướt dài trên nền trời. Chưa ai kịp ước điều gì. Nếu sao băng là linh nghiệm thật, tôi mong Trường Sa sẽ sớm trở thành điểm du lịch biển thanh bình. Mọi người sẽ có được những khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi ngắm hoàng hôn, bình minh, ngắm trăng câu cá trên biển. Và mỗi đảo sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời.

8 giờ ngày 7-6, tàu HQ 996 buông neo ở đảo Phan Vinh (còn gọi là đảo Hòn Sập), nằm cách bãi đá Tốc Tan khoảng 14 hải lý về phía tây bắc, cách bãi đá Châu Viên (Trung Quốc chiếm giữ) khoảng 47 hải lý về phía đông.

“Ngoài chuyện làm nghề, anh em trong đội đều cảm thấy tự hào đã góp phần xây dựng các đảo ở Trường Sa.” - Đội trưởng đội thợ xây Nguyễn Văn Kiên.
“Ngoài chuyện làm nghề, anh em trong đội đều cảm thấy tự hào đã góp phần xây dựng các đảo ở Trường Sa.” - Đội trưởng đội thợ xây Nguyễn Văn Kiên..

Để vào đảo, chúng tôi phải dùng ca nô vận chuyển nhiều chuyến. Phan Vinh có 2 đảo: Phan Vinh A và Phan Vinh B, cách nhau khoảng 8km. Đảo Phan Vinh A đang trong thời gian xây dựng: cát, sỏi, xi măng được tập kết dày đặc, có cả những chiếc máy xúc hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Hơn 40 thợ xây quê Nam Định đã mang dao xây thước thợ vượt trùng khơi ra đảo từ hơn một năm trước để xây nhà cao tầng, và nhiều hạng mục công trình khác trên đảo. Họ đã ăn Tết cùng cán bộ chiến sỹ đảo Phan Vinh.

Điều làm tôi ngạc nhiên đó là “ông cai” của mấy chục thợ là Đội trưởng Nguyễn Văn Kiên còn rất trẻ, sinh năm 1986, chưa vợ, từng đi xây dựng ở đảo Nam Yết năm 2009. Kiên cho biết, tháng 7 tới anh sẽ đưa anh em về đất liền, sau đó tiếp tục hành quân, mang dao xây sang một số đảo khác như Song Tử Tây, Sinh Tồn Lớn…

Đội trưởng Nguyễn Văn Kiên nói, đội xây dựng của anh mua và thuê tàu vận chuyển vật liệu xây dựng ra đảo. Mỗi khối cát, sỏi ra tới đảo xa giá thành đội lên gấp 5-6 lần. Những người thợ xây ra đảo cũng được trả công gấp đôi, gấp ba lần so với đất liền. “Ngoài chuyện làm nghề, anh em trong đội đều cảm thấy tự hào đã góp phần xây dựng các đảo ở Trường Sa”.

Lại nhớ chuyện trước khi tôi đi Trường Sa, rất nhiều người gọi điện hỏi thăm xem chiến sỹ Trường Sa cần thứ gì để gửi; những người thân của tôi cũng vậy: Người mua cà phê, bánh, người mua hạt giống rau… đóng thùng để tôi gửi ra đảo tặng các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.

Buổi chiều, mọi người gọi nhau ra boong tàu xem cá. Cả tiếng đồng hồ ngắm những đàn cá bò, cá ngừ, cá chim, cá kìm bơi lội dưới làn nước trong xanh. Kế hoạch câu cá đêm đã được mấy chàng trai của Cty Hải Thành chuẩn bị. Mồi câu là thịt, cá tươi và đã nhiều lần họ thả đèn sáng trắng dụ cá chuồn vào gần mạn tàu dùng vợt mà bắt. Cá chuồn nước nhắm rượu đế thì tuyệt. Nhưng cá chuồn cũng là mồi câu hấp dẫn.

Đêm 7-6, tàu chúng tôi tiếp tục neo tại đảo Phan Vinh. Đây là cơ hội tốt để những người mê cá được buông cần. Cá dưới biển rất nhiều, ánh đèn sáng trắng giúp mọi người nhìn thấy rõ ràng từng đàn khi chúng bơi lội gần sát mặt biển. Nhưng những con cá ăn nổi lại không chịu đớp mồi. Phải thả câu chìm, lưỡi câu ở dưới độ sâu 70 m. Khoảng 23 giờ, một con cá cắn mồi kéo sợi cước to căng như dây đàn, rung bần bật. Trung- chàng trai của Cty Hải Thành kéo mạnh.

Cuộn cước vào, thả cước ra nhiều lần, 10 phút sau Trung mới lôi chiến lợi phẩm lên bờ: Con cá nặng khoảng 5 kg. Phía bên kia boong tàu cũng đã có câu trả lời bằng một con cá ngừ nặng hơn 7kg làm nhiều người quen câu cá rô, cá diếc trên bờ xuýt xoa, thán phục. Nhưng những thủy thủ trên tàu HQ 996 thì coi đó là chuyện nhỏ, vì họ đã từng câu những con cá nặng cả tạ. Dẫu sao, câu cá vẫn là thú vui tuyệt vời.

Trưa 8-6, tàu chúng tôi nhổ neo quay lại Trường Sa Lớn.

  Đỗ Sơn (Từ Trường Sa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG