Dõi theo tàu cá ở Hoàng Sa qua điện thoại

Tàu cá của ngư dân Quảng Nam bám biển, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá của Trung QuốcẢnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
Tàu cá của ngư dân Quảng Nam bám biển, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá của Trung QuốcẢnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
TP - Năm nào Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố cấm biển, nhưng ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi, nhiều lúc áp sát quần đảo Hoàng Sa vừa để đánh bắt ở ngư trường truyền thống vừa để khẳng định chủ quyền. Năm nay, người thân ngư dân ở nhà có thể dõi theo hải trình của họ.

Tại thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làng biển nằm ở một xóm gành đá nhoi ra biển. Nơi mà vợ con các ngư dân hằng ngày ngóng tin chồng đâu đó giữa biển khơi. Những năm trước, họ chỉ nghe thấy tiếng (qua máy Icom tầm xa), chứ không thấy tàu. Từ tháng 4/2020 đến nay, các tàu cá ra khơi đều có thiết bị giám sát hành trình, nên chỉ cần mở điện thoại thông minh là vợ các chủ tàu sẽ thấy được tàu đang ở đâu, đang chạy tốc độ bao nhiêu, đang neo ở hòn đảo nào…

Tại xóm Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, vợ thuyền trưởng Đặng Tự, mở điện thoại thông minh thay cho lời kể về chuyến hành trình Hoàng Sa của tàu cá chồng mình. Tàu QNg 90045 TS từ đất liền ra Hoàng Sa, vào gần khu vực đảo Phú Lâm để đánh cá, vòng ngược về cồn cát Tây, rồi ra khu vực đảo Cây. Các ngư dân lớn tuổi nhiều năm gắn bó với Hoàng Sa (giờ đã gác chèo nghỉ ngơi) tỏ rõ sự phấn khích khi nhìn thấy hành trình con tàu hiện ra trên màn hình điện thoại. Tàu QNg 90045 TS chỉ là một trong rất nhiều tàu cá ở địa phương vẫn kiên trì bám biển, bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc.

Chị Hồng cho biết, chuyến biển tháng 4 vừa qua, anh em trên tàu tổ chức đi cứu ngư dân trên tàu cá QNg 90167 TS của thuyền trưởng Trần Hồng Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Tàu quay vào bờ và xuất hành trở lại vào ngày 29/4. Khi ra Hoàng Sa, tàu đến khu vực Đá Lồi, di chuyển sang Đá Hải Sâm, vào lòng chảo Lưỡi Liềm, đi qua các đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Hữu Nhật. Những hòn đảo và lòng chảo của cụm đảo mà chị Hồng nhắc đến chính là nơi diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa giữa lính Việt Nam Cộng hòa và hải quân Trung Quốc vào tháng 1/1974.

Vận động hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình

Thực hiện quy định IUU của Liên minh châu Âu về ngăn chặn đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, các tàu cá đánh bắt xa bờ (chiều dài từ 15m trở lên) phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Quy định này cũng được đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Sau ngày 1/4/2020, tàu cá không có thiết bị giám sát hành trình sẽ không được rời bến.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản các địa phương, thành phố Đà Nẵng có 526 tàu thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình, tỉnh Quảng Nam có 718 tàu, tỉnh Bình Định có 3.300 tàu, Quảng Ngãi có 3.351 tàu. Cuối tháng 10/2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động các doanh nghiệp, nhà tài trợ được gần 30 tỷ đồng để mua thiết bị giám sát hành trình tặng ngư dân Bình Định.

Do nhiều nguyên nhân, một số tàu cá vẫn chưa thể lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để ra khơi bám biển. Thiết bị có giá 19-28 triệu đồng, trong khi đa số ngư dân nghèo kiếm sống qua từng chuyến biển. Vì vậy, các địa phương đang áp dụng nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Có 4 cơ quan cung cấp và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá với 4 loại máy có giá khác nhau. Thiết bị phổ biến nhất hiện nay là Thuraya SF 2500 của VNPT. Thiết bị này có thêm chức năng gọi điện thoại với giá của điện thoại vệ tinh - hơn 40.000 đồng/phút. Vifist-18 của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (do Đài Duyên hải miền Trung tại Đà Nẵng lắp đặt) không có chức năng gọi điện thoại vệ tinh, nhưng có thể nhắn tin trực tiếp qua điện thoại.

Hiện nhiều địa phương không chỉ kêu gọi hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mà còn mong mỏi được hỗ trợ thuê bao dịch vụ vệ tinh hằng tháng với  cước phí phù hợp với tàu cá.

Dõi theo tàu cá ở Hoàng Sa qua điện thoại ảnh 1 Thông tin về một tàu cá ở xã Bình Châu đang bám biển Hoàng Sa hiển thị trên màn hình điện thoại Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Chị Lê Thị Nguyệt, vợ ngư dân Huỳnh Tấn Lợi, thuyền trưởng tàu QNg 95790 TS ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, chia sẻ thông tin về tàu cá của chồng mình trên màn hình điện thoại. Chị khẳng định, tàu vẫn bám biển bình thường, dù Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cấm biển. Chị Nguyệt cho biết, tàu đang trên đường ra phía tây quần đảo Hoàng Sa. Hiện nay, giá mực giảm, nhưng tàu vẫn ra khơi bám biển, đang tiến gần Hoàng Sa…

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.