Vấn nạn một thời
Gần 10 năm trước, vấn nạn bèo tây xâm nhập rồi phát tán rộng trên sông Hương và các chi lưu như sông Như Ý, An Cựu, Bạch Yến, Kẻ Vạn, Đông Ba… khiến nhiều địa phương gặp khó khăn, phải loay hoay tìm cách xử lý. “Do sông ngòi có tính liên thông qua nhiều địa bàn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ nên bèo tây một thời phát tán mạnh trên sông Hương và các chi lưu, gây khó khăn về dọn dẹp, xử lý cho đơn vị chuyên trách”, một lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế kể.
|
Cũng do sự thiếu đồng bộ về ngăn chặn, triệt tiêu bèo tây giữa các địa phương, trong lần họp bàn về xử lý vấn nạn cây gây hại lan rộng trên sông Hương cùng các chi lưu thuộc TP. Huế và những huyện, thị xã lân cận, một vị lãnh đạo UBND TP. Huế đưa ra ý kiến không biết thật hay đùa khiến nhiều người bật cười. Vị này cho rằng, các địa phương cần phải xịt sơn bèo theo màu khác nhau để đánh dấu, giám sát, chịu trách nhiệm về quản lý, không để bèo phát tán gây khó khăn, ô nhiễm qua địa bàn khác.
Bèo tây từng phủ kín mặt sông Hương đoạn qua Đập Đá, TP. Huế. |
Đỉnh điểm của vấn nạn bèo tây phát tán, lan rộng trên các dòng sông tại Huế và các địa phương lân cận là vào năm 2016. Thời điểm đó, theo khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng, tổng diện tích bèo xâm nhập tại sông Hương đoạn qua trung tâm TP. Huế và các chi lưu, sông nhánh chảy về nhiều huyện, thị xã là trên 1,7 triệu m2.
VIDEO: Những dòng sông tại Huế vắng bóng cây bèo tây. |
Sự “tấn công” của bèo tây trên các con sông tại Huế khiến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phải tổ chức họp với các ban, ngành, địa phương liên quan để tìm giải pháp xử lý, giải tỏa loài cây ngoại lai gây hại đe dọa dòng chảy, tác động xấu đến môi trường nước và sản xuất nông nghiệp.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên Thừa Thiên-Huế từng được huy động phối hợp công nhân môi trường để thu dọn, xử lý bèo tây phát tán mạnh ven sông Hương đoạn qua trung tâm TP. Huế. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thời đó là ông Đinh Khắc Đính đã chỉ đạo các địa phương phải xác định trách nhiệm xử lý bèo tây theo địa bàn từng xã, phường, thôn, xóm. Các địa phương có chung dòng sông, hồ phải phối, kết hợp thực hiện đồng bộ, triệt để với phương châm nhà nước và nhân dân cũng làm… Cùng với đó, UBND tỉnh quyết định chi khoảng 5 tỷ đồng để xử lý dứt điểm tình trạng bèo tây đang lan rộng với tốc độ chóng mặt.
Loài gây hại dần sạch bóng
Còn nhớ, vào giữa hè năm nay, đang điểm tâm sáng cạnh dòng An Cựu, trên sông bỗng xuất hiện nhóm người mang trang phục công nhân môi trường điều khiển ghe thuyền chạy nhanh theo hướng từ TP. Huế đi thị xã Hương Thủy.
"Biệt đội" xử lý bèo tây trên sông An Cựu, TP. Huế. |
Một người trong quán ăn sáng cho biết, nhóm người này thuộc “biệt đội” dọn bèo của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế đang trên đường đi xử lý đám lục bình lớn phát tán bất thường vào sông An Cựu, TP. Huế, từ đêm trước.
Hỏi lãnh đạo công ty môi trường mới biết, hôm đó có đám bèo tây rộng hàng trăm mét vuông ngoài địa bàn thành phố xâm nhập vào đoạn sông do đơn vị quản lý. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, đám bèo này mới được hàng chục công nhân của công ty xử lý, trả lại sự nên thơ, sạch sẽ cho dòng An Cựu “nắng đục mưa trong” - một chi lưu nổi tiếng của sông Hương.
Thu gom rác thải kết hợp xử lý bèo tây phát tán trên sông. |
Cùng với việc bố trí lực lượng chuyên trách dọn bèo, rác hàng ngày trên sông Hương và theo định kỳ ở các chi lưu như An Cựu, Như Ý, Kẻ Vạn, Đông Ba…, hiện nay, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế cho chăng dây gắn phao nổi làm hàng rào tại nhiều vị trí, ngăn bèo phát tán từ các đoạn kênh mương, ao hồ, khu vực ngập nước ra sông Hương và các dòng sông nhánh.
Đặc biệt, công ty còn tổ chức lực lượng “tuần bèo” trên các sông và tiến hành phản ứng nhanh xử lý bèo tây từ nơi khác xâm lấn vào địa bàn.
Bèo tây vắng bóng trên sông Hương đoạn gần cầu Trường Tiền, TP. Huế. |
“Khi nhận thông tin nơi nào có bèo phát tán ra sông, nơi công ty nhận xử lý về môi trường, chúng tôi cắt cử ngay lực lượng công nhân cùng trang bị chuyên dụng đến dọn dẹp, thu gom, tránh để bèo lan rộng ra các nơi. Việc làm này cần phải được làm kịp thời, thường xuyên, triệt để”, ông Trần Hữu Ân - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, cho biết.
Cầu gỗ lim ven sông Hương sạch sẽ, không còn tình trạng bèo tây từ nơi khác phát tán tới làm phiền lòng du khách. |
Sau gần 10 năm, với nhiều giải pháp được triển khai thực hiện thường xuyên, triệt để, cùng những cách làm mới, vấn nạn bèo tây xâm nhập trên những dòng sông tại Huế từng bước bị đẩy lùi. Đến nay, cây bèo tây dần vắng bóng trên sông Hương đoạn qua trung tâm TP. Huế và các chi lưu. Bên cạnh đó, khi có mưa lũ lớn, mầm bèo bị cuốn đi và chết do nước bạc, nên loài sinh vật gây hại này không còn cơ hội sinh sôi nảy nở trên nhiều dòng sông tại Huế.
Dòng sông Như Ý trở nên như ý, sạch bèo tây, môi trường trong lành. |
“Lần quay lại Huế này, tôi hết sức bất ngờ khi không chỉ sông Hương mà các sông nhánh như Như Ý, Đông Ba, An Cựu không còn nhiều bèo tây như trước. Sông Hương giờ trở nên sạch sẽ, thơ mộng, đẹp hơn”, chị Nguyễn Ánh Tuyết (người gốc Huế, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) bày tỏ.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo phường An Đông (TP. Huế), với sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa đơn vị xử lý môi trường, chính quyền địa phương, người dân, đặc biệt là thông qua phong trào Chủ nhật xanh, tuyến sông Như Ý chảy qua địa bàn phường giờ sạch hơn, không còn bèo làm ô nhiễm môi trường nước và gây tắc nghẽn dòng chảy thoát lũ vào mùa mưa bão, dần trở thành dòng sông như ý về cảnh quan, môi trường.