Đối phó phương Tây, Nga quay sang châu Á?

Đối phó phương Tây, Nga quay sang châu Á?
TP - Theo Global Times, phụ bản của báo Trung Quốc People’s Daily (Nhân dân Nhật báo), nhiều chuyên gia Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Họ không chỉ lo ngại về hậu quả kinh tế, kết quả của quan hệ bị hủy hoại với Nga, mà còn sợ rằng Nga sẽ quay sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Mới đây, Nga và Trung Quốc ký hàng loạt thỏa thuận kinh tế lớn và duy trì quan hệ chính trị khăng khít. Hai nước cũng nhất trí tiến hành các cuộc tập trận chung tại Địa Trung Hải, một động thái được coi là nhằm đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ và NATO gần biên giới Nga và Trung Quốc. 

Các nhà bình luận phương Tây phỏng đoán, dạng thức hành động chung đó thể hiện quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Nga; bóng ma kỷ nguyên Chiến tranh lạnh với phương Tây dần hiển lộ. Điều đó làm nảy sinh mối lo rằng, nếu công nghệ hạt nhân và các nguồn tài nguyên của Nga phối hợp sức mạnh kinh tế Trung Quốc, vị thế siêu cường thống trị thế giới của Mỹ có thể bị đe dọa. Global Times thanh minh rằng, mô thức hành động trên không có nghĩa Nga và Trung Quốc đang thiết lập một liên minh. 

Trung Quốc từng nhấn mạnh sẽ không tham gia bất cứ liên minh nào để chống lại bất kỳ nước nào và Bắc Kinh giữ quan điểm trung lập trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia khác. Nếu như Nga phá vỡ cái mà Global Times gọi là “hệ thống tập quyền quốc tế của Mỹ”, Trung Quốc còn có thể hưởng lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn sát cánh với Nga để hứng chịu hỏa lực từ phương Tây.

Theo nhiều nhà phân tích, Nga không cần liên minh với Trung Quốc và cũng e ngại trở nên quá phụ thuộc vào người láng giềng đông dân và đang rất đói khát tài nguyên ở phía nam. Các nhà phân tích chính trị Nga cho rằng, Trung Quốc có thể cố gắng giành nhiều lợi ích nhờ nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. 

Đó chính là lý do tại sao Nga “xoay trục châu Á” nhằm vào tất cả các quốc gia châu Á, chứ không chỉ riêng Trung Quốc. Nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc, Nga còn chủ động tăng cường quan hệ với hai đối thủ khu vực của Trung Quốc là Ấn Độ và Nhật Bản. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây thăm Ấn Độ, ký kết một loạt thỏa thuận kinh tế, quốc phòng…

Tin tức Trung Quốc dẫn lời cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác kinh tế Trung Quốc Long Yongtu nói rằng, Bắc Kinh ở trong thế buộc phải giúp đỡ Mátxcơva về phương diện triển vọng chiến lược. Ông này chỉ trích vòng trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây chuẩn bị siết chặt thêm với Nga, cảnh báo rằng, giải quyết vấn đề xung đột chính trị thông qua trừng phạt kinh tế sẽ chỉ khiến tất cả phải gánh chịu hậu quả. Ông Long, hiện giữ chức Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế châu Á Bác Ngao, là quan chức Trung Quốc đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm của Bắc Kinh đối với nguy cơ khủng hoảng kinh tế ở Nga.


Ông Putin: Không ai có thể đe dọa hay cô lập Nga

Ngày 20/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, không quốc gia nào có thể “đe dọa” hay “cô lập” Nga, sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Mátxcơva liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Putin nhấn mạnh: “Không ai có thể hăm dọa chúng tôi, hay kiềm chế và cô lập Nga. Chưa từng có ai đủ khả năng làm vậy và sẽ không có ai làm được”. Theo ông Putin, Nga phải chuẩn bị để vượt qua những khó khăn nhất định và luôn phải đưa ra ứng phó tương xứng với tất cả các mối đe dọa nhằm vào chủ quyền, sự ổn định và đoàn kết của xã hội. 

MỚI - NÓNG