Đổi mới thi THPT quốc gia: Băn khoăn “Giấy chứng nhận“

Nhiều ý kiến ủng hộ việc cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT nhưng cần làm rõ giá trị của chứng nhận này
Nhiều ý kiến ủng hộ việc cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT nhưng cần làm rõ giá trị của chứng nhận này
TP - Học sinh học xong lớp 12 sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Những em có nhu cầu cấp bằng tốt nghiệp mới đăng ký thi THPT quốc gia. Đây là điểm mới được Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo đề xuất phương án thi sau năm 2020. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về giá trị của giấy chứng nhận cũng như cơ hội học tập của học sinh.   

Ủng hộ phương án này, thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương (TP Thanh Hóa), cho rằng, thực tế hàng năm ở trường luôn có khoảng 30% học sinh không có nhu cầu thi ĐH. Các em này chỉ thi lấy bằng tốt nghiệp sau đó đăng ký đi học nghề.

Vì vậy, nếu đổi mới thì những em thuộc diện chỉ lấy chứng nhận tốt nghiệp nên giao cho các trường xem xét. Khi đó, trường sẽ căn cứ hồ sơ, học bạ là kết quả 3 năm học để cấp giấy chứng nhận. Còn những em đăng ký thi ĐH mới tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Theo thầy Dỵ, thực hiện việc này chính là phân luồng giáo dục rõ ràng ai làm thợ, ai làm thầy.

Thầy Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình), cũng cho rằng, nên cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT cho học sinh, bởi thực tế trên cả nước tỷ lệ học sinh không đỗ tốt nghiệp hằng năm rất nhỏ.

Giá trị của giấy chứng nhận tốt nghiệp

Theo thầy Lê Văn Thuyết, học sinh chỉ nhận chứng chỉ hoàn thành THPT mà không có bằng tốt nghiệp sau này không gặp khó khăn gì bởi vì các em vẫn có thể đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi có nhu cầu, hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cần làm rõ giấy chứng nhận này có giá trị như thế nào, đồng thời cần có hướng dẫn sử dụng chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT.

Tuy nhiên, ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, cho biết, hiện nay Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, học sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT mới được cấp bằng CĐ. Do đó, thực tế ở trường, một số em chưa đỗ tốt nghiệp nhưng đăng ký vào học, sau 1 năm nhà trường yêu cầu quay lại đăng ký thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, nếu không phải chuyển xuống hệ trung cấp. Sau khi hoàn thành chương trình trung cấp mới lên được CĐ. Như vậy, theo ông Đàm, việc không thi lấy bằng tốt nghiệp chỉ thuận lợi ban đầu và phù hợp với những người chỉ xác định làm thợ. Còn xác định học CĐ hay liên thông, học sinh vẫn phải có bằng tốt nghiệp.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng - Cơ điện Hà Nội, khẳng định, lâu nay học sinh không có bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn tốt nghiệp CĐ rơi vào trường hợp: Các em tốt nghiệp THCS xong vào học trung cấp. Trong quá trình học, các em được học văn hóa. Khi tốt nghiệp trung cấp loại khá trở lên sẽ học lên CĐ và được cấp bằng CĐ mà không cần bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cho phép học sinh không có bằng tốt nghiệp vẫn được học CĐ ngay, không cần qua giai đoạn liên thông trung cấp. Nhưng khi học bậc CĐ về nghề, các em vẫn phải học các môn văn hóa.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, nói rằng, những thí sinh chỉ có nhu cầu đi học nghề, không có nhu cầu thi ĐH mà vẫn phải tham gia kỳ thi THPT quốc gia khiến việc tổ chức cồng kềnh. Do đó, đề xuất hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT nhằm giải quyết cho những trường hợp học sinh không có nhu cầu thi ĐH và cả những học sinh thi tốt nghiệp không đỗ.

Theo GS Thuyết, việc đánh giá sát năng lực học sinh vẫn nên giao cho các trường. Trường sẽ đánh giá học sinh thông qua hồ sơ học tập, các bài thực hành, thái độ học tập, hồ sơ học sinh trong các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ…làm căn cứ quyết định cấp chứng nhận hoàn thành chương trình cho học sinh. Đây cũng là một trong những điều kiện để học sinh được đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

GS Thuyết cũng cho rằng, những học sinh chỉ lấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT sẽ vẫn có cơ hội học liên thông lên ĐH. Vì theo quy định trong luật, tốt nghiệp trung cấp, CĐ nghề nghiệp cũng có nghĩa đáp ứng cả chương trình văn hóa. Ví dụ, một học sinh học CĐ nghề sau đó sẽ liên thông lên học ĐH khác với học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 sẽ chỉ được học trung cấp về nghề, sau đó mới lên CĐ.

MỚI - NÓNG