Thủ khoa trường báo từng nhặt ve chai, vượt qua nỗi đau mất mẹ

Thủ khoa Đỗ Thị Phương Huệ, sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Thủ khoa Đỗ Thị Phương Huệ, sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
TPO - Mẹ qua đời sau 5 ngày lâm bệnh, Đỗ Thị Phương Huệ (sinh năm 2001, thôn Yên Sơn, Lăng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc)  từng phải đi nhặt ve chai, phụ giúp cha nuôi hai em nhỏ và ông bà. Em đã vượt qua nỗi đau để giành thủ khoa đầu vào của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2019.

Đỗ Thị Phương Huệ (sinh năm 2001, thôn Yên Sơn, Lăng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc) đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 với 27,5 điểm. Em là một trong 3 thủ khoa đầu vào của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39. Ở ngưỡng cửa cuộc đời, Huệ từng đi nhặt ve chai phụ giúp bố nuôi em và không có mẹ bên cạnh.

Mẹ đột ngột ra đi chỉ trong 5 ngày ốm, bỏ lại em gái mới 1 tuổi

Đỗ Thị Phương Huệ chia sẻ, trước đây, bố của Huệ do đi bốc vác cám, gỗ, xi măng thuê, công việc nặng nhọc, vất vả suốt thời gian dài khiến bố em lao lực, sức khỏe không còn như trước. Mẹ của em, từ phụ nữ trong gia đình lại trở thành “nhân vật chính”, đi làm phụ hồ, gánh vác nuôi cả gia đình.

Một tai họa đổ ập xuống gia đình em vào năm em học lớp 11, mẹ đột ngột qua đời sau một cơn ốm kéo dài chỉ sau 5 ngày.  Huệ chia sẻ, vì mẹ không có bảo hiểm y tế, chính vì vậy mẹ đã chần chừ chuyện đi khám bệnh, sợ tốn nhiều tiền. Và sau sau hơn 1 ngày không giảm sốt, gia đình em chuyển mẹ xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để khám.

“Em cũng chưa kịp xuống thăm mẹ và bác sĩ cũng không thể cứu được mẹ em. Mẹ mất khi em gái em chưa kịp cai sữa. Em bé 1 tuổi rất ngoan. Và em được ông bà trông ở nhà cho em đi học”- Huệ chia sẻ.

Huệ cho biết thêm, cả nhà mất đi người lao động chính, gia đình vốn khó khăn lại càng chật vật hơn.  Bố em ngoài việc đồng áng thì nuôi thêm con lợn, con gà. Tuy nhiên, có lúc còn chẳng được thu, chứ đừng nói tăng thêm thu nhập. 

Biến nỗi đau thành động lực

Huệ chia sẻ, những ngày sau khi mẹ em mất, cuộc sống gia đình thật sự rất khó khăn.

“Chị em em thì đều đang tuổi học hành, bố e thì sức khoẻ yếu, ông bà cũng đã qua tuổi lao động,... Ngày mùa, em đi vò lúa, thời gian rảnh em đi nhặt  ve chai để kiếm thêm thu nhập. Những ngày tháng đó thực sự là những ngày tháng vô cùng đau khổ với em. Em mất mẹ- nỗi mất mát ấy quá lớn, quá đột ngột và rất khó để em học cách chấp nhận”- Huệ nói trong nước mắt.

Huệ cho biết, em đã biến nỗi đâu lớn nhất là động lực để em học tập. Mẹ em  đã mất rồi, nhưng sau em còn là 2 em nhỏ, bố em, và ông bà của em: “ Với em, họ chính là động lực. Em tự nhủ rằng, mình không chỉ cố gắng vì bản thân, mà còn cố gắng vì gia đình. Hạnh phúc của em là nhìn thấy những người em yêu thương hạnh phúc”- Huệ nói.

Nói về bí quyết để giành điểm cao và là thủ khoa đại học, Huệ cho biết em cũng không có bí quyết nào cả. Chỉ đơn giản là sự bền bỉ từng ngày. Em may mắn vì có ông bà, ông bà trông nom em út cho em, để em yên tâm lo học.

Đạt số điểm cao trong kì thi năm 2019, đứng trước rất nhiều sự lựa chọn, Huệ cho rằng, người chọn nghề nhưng nghề cũng chọn người.

“Em cảm thấy nghề báo phù hợp với con người em. Nghề báo cho em cơ hội để viết, để nói lên chính kiến, để đi nhiều nơi và tích luỹ cho mình vốn sống. Mơ ước sau này của em là làm theo niềm đam mê của mình, công việc có thể chủ động về kinh tế để lo cho chính bản thân và lo cho gia đình”- Huệ chia sẻ.

Huệ cho rằng, những ngày mới lên Hà Nội, nhiều thứ khiến em “choáng”, nhưng giờ em đã dần thích nghi. Hiện tại, em đang ở nhờ nhà một chú họ và không mất tiền ăn, ở. Bù lại, em hàng ngày đến trường xa cả chục km.

Nói về việc học ở đại học, Huệ cho rằng, cũng mới chỉ nhập học được hơn 2 tháng, mọi thứ với em còn bỡ ngỡ lắm: “Môi trường đại học rất khác ở phổ thông, môi trường học tập rất chủ động, đòi hỏi sinh viên tự ý thức. Em sẽ cố gắng vì em luôn tự nhủ, bố mẹ đã vất vả và em sẽ cố gắng để bố mẹ không phải buồn”- cô thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.

MỚI - NÓNG