Bí kíp học môn sử của thủ khoa xứ Lạng

TP - Là người dân tộc Tày, sinh sống ở một địa bàn xa xôi, hẻo lánh nơi xứ Lạng, ban đầu Tàng Thị Hồng cũng “ngán” học môn lịch sử. Nhưng sau đó, bằng phương pháp sáng tạo, nữ sinh này luôn vượt lên, đoạt nhiều thành tích đáng nể.
Bí kíp học môn sử của thủ khoa xứ Lạng ảnh 1 Em Tàng Thị Hồng: Muốn học tốt lịch sử, phải bắt đầu từ thói quen

Đến thăm gia đình Tàng Thị Hồng (SN 2001), trú tại lưng chừng đồi ở thôn Khòn Cháo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) đúng lúc gia đình, bạn bè tíu tít chuẩn bị cho em nhập học ngành Đông phương học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ở đây ai cũng tự hào vì từ trước đến nay, Khòn Cháo chưa có ai học hành giỏi giang như vậy. Hồng đã đỗ thủ khoa thuộc Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Lạng Sơn năm 2019 với số điểm 29,5 (bao gồm cả điểm cộng).

Hồng là con cả trong trong gia đình có 2 chị em gái. Bố mẹ sức khỏe yếu, chủ yếu làm nghề nông nghiệp với số ruộng vườn chưa đầy 5 sào. Ý thức được gia cảnh khó khăn như vậy, Hồng luôn cố gắng học tập, siêng năng giúp đỡ bố mẹ khi đã xong công việc học tập.

Trong căn nhà nhỏ, cấp bốn nhưng trên tường treo dày đặc bằng khen, giấy khen về thành tích học tập của Hồng. Nhiều năm liền, Hồng là học sinh giỏi; em đã đoạt giải Nhì học sinh giỏi văn cấp tỉnh lớp 11, giải Ba học sinh giỏi văn cấp tỉnh lớp 12.

Trò chuyện với  phóng viên, Hồng nhắc nhiều đến những năm tháng học tập dưới mái trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Một trong những “bước ngoặt” của em, đó là từ chỗ “ngại” học môn Lịch sử, em đã thành công và đam mê, giành nhiều thành tích cao đối với môn học này. “Hồi học cấp 2, em cũng sợ môn sử lắm vì rất dài và khó nhớ. Nhưng khi lên bậc học THPT, em đã tìm cho mình phương pháp học tập mới. Từ đó, bản thân không còn sợ nữa, mà dần dần thích thú, rồi say mê, học tập tiến bộ hơn nhiều”, Hồng nói.

Chia sẻ những bí quyết và phương pháp để học tốt môn học được cho là “rất khó” đối với nhiều học sinh, Hồng bật mí, muốn học tốt môn lịch sử thì phải có hứng thú, muốn có hứng thú phải bắt đầu từ thói quen.

“Trước khi lên lớp học bài, em thường đọc trước sách giáo khoa, gạch ra những ý chính và từ khóa. Ôn luyện trước giúp em hiểu sơ lược nội dung, đến khi nghe cô giáo giảng sẽ dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Ở trên lớp, việc lắng nghe, ghi chép những ý chính của bài sẽ giúp ta so sánh với những gì đã đọc trước để đúc rút ra vấn đề cốt lõi, từ đó suy luận bản thân đã hiểu đúng nội dung bài chưa, còn thiếu ở đâu? Một điều quan trọng là em luôn tập trung nắm chắc, thuộc kiến thức ngay trong ngày. Khi về ký túc xá, có thể học lại những kiến thức thầy cô giảng kết hợp với đọc thêm sách nâng cao môn sử, hay tìm đọc một số tài liệu tham khảo trên mạng. Đôi khi em mang cả đề thi có liên quan đến nội dung vừa học để luyện nữa. Từ những hứng thú ban đầu, em bắt mình phải có thói quen học tập. Nhờ thế, em thấy môn học này trở nên dễ dàng hơn”, Hồng chia sẻ.            

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019, Hồng đạt 26,75 điểm (văn 8,25, sử 9,5, địa 9). “Em yêu thích ngôn ngữ các nước châu Á, trong đó có đất nước Hàn Quốc. Học chuyên ngành Đông phương học chính là cánh cửa để thực hiện ước mơ của mình”, Hồng nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.