Đổi mới thi theo hướng đánh giá năng lực

Giám thị đọc nội quy thi đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giám thị đọc nội quy thi đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Như Tiền Phong đã phản ánh, từ nhiều năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng một đề án về đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực của học sinh.

Theo GS TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu Bộ GD&ĐT cho phép, đề án được áp dụng trên toàn quốc thì không chỉ phục vụ tuyển sinh ĐH mà còn có thể sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT. 

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức nói: Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới, ĐH Quốc gia HN lựa chọn đổi mới tuyển sinh theo phương án về cơ bản theo hình thức tương tự như của Hoa Kỳ, có cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện đặc thù của Việt Nam. 

Khi dự thi, thí sinh phải làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, tương tự như bài thi SAT 1 và SAT 2 của Hoa Kỳ. 

Với bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung (tương tự SAT 1), chúng tôi sẽ sử dụng đề thi trắc nghiệm. Đề được xây dựng với cấu trúc đầy đủ bốn hợp phần gồm Toán, Văn, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội.

Tổng số có 180 câu trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 215 phút (trong một buổi). Trọng số theo mức năng lực là 20% dễ; 60% trung bình và 20% khó. 

Nội dung các hợp phần bao phủ toàn diện ba năm THPT, nhưng ưu tiên hơn với chương trình lớp 12. Bài thi được chấm theo bốn đầu điểm riêng rẽ của bốn hợp phần. 

Năm 2014, ĐH Quốc gia HN áp dụng bài thi này để tuyển các em đã trúng tuyển kỳ thi ba chung vào học các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, đề thi được thiết kế giản dị hơn (chỉ có 140 câu, thời gian làm bài là 195 phút…).

Sau khi có kết quả bài thi đánh giá năng lực chung, những em muốn dự tuyển vào ĐH Quốc gia HN còn phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như SAT 2 của Hoa Kỳ) để tuyển chọn thí sinh vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học. Ví dụ những em thi vào khối các ngành Khoa học tự nhiên - công nghệ có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là Toán, các em chọn các ngành về Hóa học, Sinh học có thể thi môn chuyên biệt là Hóa.v.v... 

Các môn thi chuyên biệt này do Hội đồng Khoa học và Đào tạo của từng trường xem xét, quyết định cho từng ngành/nhóm ngành/lĩnh vực. Các ứng viên chỉ thi một bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo quy định. 

Với ĐH Quốc gia HN, các em đăng ký học hệ đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến hay chuẩn quốc tế còn được đánh giá thông qua hồ sơ và các thành tích khác: học lực ba năm THPT, thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi… 

Như vậy có thể thấy việc tuyển sinh của ĐH Quốc gia HN được đánh giá một cách toàn diện và khách quan, phù hợp với xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới. 

Được biết là đề án đổi mới tuyển sinh này đã được ĐH Quốc gia HN chuẩn bị từ khá lâu, thưa giáo sư? 

Đúng là chúng tôi đã có định hướng và từng bước chuẩn bị kỹ càng cho đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực từ rất lâu, khởi nguồn từ năm 1997 khi triển khai tuyển chọn các em học sinh giỏi vào học các hệ tài năng. 

Năm 2004 - 2005 chúng tôi thực hiện nghiên cứu từ Đề tài cấp Nhà nước về các công cụ để đánh giá tuyển chọn, phát hiện và quy trình đào tạo và bồi dưỡng tài năng. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng được 4.000 câu hỏi nguồn và đào tạo được khoảng 50 cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt chuyên viết câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực. 

Thế mạnh của ĐH Quốc gia HN là có đầy đủ các chuyên gia trong mọi lĩnh vực nên đã chủ động xây dựng được các câu hỏi nguồn có chất lượng. Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Trung tâm khảo thí của chúng tôi đã được thành lập và hoạt động hiệu quả.

Hiện Bộ GD&ĐT có chủ trương tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, kết quả thi sẽ được sử dụng xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các trường ĐH tuyển sinh. Vậy đề án đổi mới thi của ĐH Quốc gia Hà Nội có ý nghĩa như thế nào trong việc tham gia ủng hộ chủ trương này? 

Ban đầu, đề án nhằm phục vụ kế hoạch đổi mới và tự chủ tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội với lộ trình dự kiến như sau: 

Năm 2014 áp dụng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực tuyển chọn các em vào hệ chất lượng cao, tài năng, các chương trình tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược (chuẩn quốc tế) sau khi đã trúng tuyển kỳ thi ba chung như tôi nói ở trên, việc làm bài thi sẽ được thực hiện trên máy tính.

Năm 2015 áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. 

Kỳ thi đánh giá năng lực chung và chuyên biệt sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH ba chung. Vì vậy, các ứng viên dự tuyển vào các chương trình này, sau khi dự thi các bài thi đánh giá năng lực, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi ba chung để thử sức vào các ngành khác đào tạo hệ chuẩn trong ĐH Quốc gia HN hoặc các trường đại học khác tuyển sinh theo kỳ thi ba chung của Bộ. 

Năm 2016 sẽ áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo ĐH trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức ba chung của Bộ GD & ĐT.

Tuy nhiên, lộ trình trên sẽ được điều chỉnh phù hợp với những chủ trương và quyết sách về đổi mới thi của Bộ GD&ĐT. 

Ưu điểm của phương án đổi mới tuyển sinh của ĐH Quốc gia HN là bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung có thể tổ chức thường xuyên, nhiều lần trong năm. Thí sinh có thể chủ động đăng ký dự tuyển kỳ thi đánh giá năng lực vào thời điểm phù hợp.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức

Đề án đổi mới tuyển sinh của ĐH Quốc gia HN nếu được triển khai đại trà ở quy mô toàn quốc thì có đảm bảo được tiêu chí này? 

Việc làm bài thi và chấm được thực hiện trực tiếp trên máy tính, nên đảm bảo tính khách quan, chính xác và công bằng trong quá trình làm bài và chấm thi. 

Với riêng ĐH Quốc gia HN, chúng tôi đã xây dựng phần mềm để có thể tổ chức chấm thi trên máy với hệ thống máy chủ của ĐH Quốc gia HN và khoảng gần 1.000 máy ở các trường thành viên. Còn nếu tổ chức trên phạm vi toàn quốc thì chúng tôi sẽ đầu tư thêm để hoàn thiện phần mềm, để có thể tổ chức thi và chấm thi qua hệ thống internet.

Theo tôi biết hiện nay ở các thành phố, rất nhiều trường THPT được trang bị máy tính, phòng máy. Nếu nơi nào không có phòng máy, thí sinh có thể đến một cơ sở giáo dục khác trong tỉnh.

Viettel cho biết họ cũng sẵn sàng hỗ trợ ngành GD&ĐT vấn đề này. 

Cảm ơn GS TSKH Nguyễn Đình Đức!

MỚI - NÓNG