Đổi mới mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng

Các đại biểu bên lề hội nghị.
Các đại biểu bên lề hội nghị.
TP - “Mục tiêu của Việt Nam là tăng cường khuyến khích liên kết giữa các vùng nhằm tạo sự phát triển chung, ngăn chặn các địa phương khuyến khích đầu tư bằng mọi giá, ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của đất nước” - Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định tại hội thảo thượng đỉnh VN - Vietnam Summit 2016 với chủ đề “Tương lai thuận buồm xuôi gió” do Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh và Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 3/11 tại TPHCM.

Không hút đầu tư bằng mọi giá

Sau một thời gian thu hút đầu tư chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ và nhiều vốn, đến nay, các yếu tố này không còn dư địa để có thể tiếp tục phát triển mạnh. Do đó, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, muốn duy trì được tốc độ phát triển 6,5-6,75/năm, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, đi sâu vào chất lượng. Để làm được điều này, cần sự liên kết giữa các vùng, các tỉnh để hiệu quả.

“Mục tiêu của chúng ta là tăng cường khuyến khích liên kết giữa các vùng nhằm tạo sự phát triển chung, ngăn chặn các địa phương khuyến khích đầu tư bằng mọi giá” - Phó Thủ tướng khẳng định, đồng thời cho biết, Việt Nam chú trọng hơn vào đầu tư đi cùng với phát triển bền vững về môi trường nhưng không phải thu hút bằng mọi giá.

Trước câu hỏi Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh những phát minh về công nghệ tự động hóa, số hóa và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại ngành sản xuất trên toàn thế giới một cách toàn diện, ông Phạm Bình Minh cho rằng, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy công nghệ. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng nông nghệ cao. “Thay vì dùng sức người, Việt Nam đẩy mạnh sử dụng tri thức trong sản xuất, nhằm tạo ra năng suất lao động lớn”- Phó Thủ tướng nói đồng thời cho biết, việc áp dụng công nghiệp hóa vào nông nghiệp cũng sẽ gây ra thất nghiệp lớn. 

“Khoảng 40% nông dân Việt Nam sẽ bị tác động bởi tiến trình phát triển nông nghiệp hiện đại, vốn cần ít nhân công hơn so với làm nông nghiệp truyền thống. Giải pháp cho vấn đề này là tăng cường công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy quá trình chuyển giao lao động. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ cần đầu tư vào con người nhiều hơn, thông qua dạy nghề, nâng trình độ lao động…” -Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Thách thức tự động hóa

Ngoài nông nghiệp, dệt may cũng sẽ là lĩnh vực bị tác động mạnh bởi quá trình tự động hóa. Những lao động giản đơn sẽ dễ bị máy móc thay thế nhưng ngành nghề nào cũng cần lao động tay nghề cao. Vì vậy sẽ phải đào tạo lao động để nâng cao tay nghề, cũng như tạo sự kết hợp giữa công nghiệp hóa với lao động lành nghề.

Ông Võ Quang Huê - Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam nhận định cho biết, “Giáo dục Việt Nam còn thiên về lý thuyết. Cần liên kết giữa giáo dục với các cơ sở nghiên cứu để sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tế. Để tạo nguồn nhân lực có hiệu quả, Bosch đã liên kết với 5 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam nhằm bồi dưỡng, phát huy chất xám ngay từ trên giảng đường”. 

Một vấn đề gần đây được dư luận quan tâm là tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cổ phần hóa là mục tiêu của quá trình đổi mới. Hiện tại, Việt Nam đã và đang tiến hành cổ phần hóa các DNNN và gặt hái được nhiều thành quả. Số DN cổ phần hóa liên tiếp gia tăng, bao gồm cả các DN lớn, có vốn đầu tư nhiều. 

Cụ thể, trong tháng 12 tới đây, sẽ thoái vốn toàn bộ các công ty như Habeco, Sabeco, Vinamilk…

Việc cổ phần hóa các DN lớn nhằm tăng cường khả năng quản trị bộ máy, giúp làm ăn ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa cũng gặp trở ngại với những DN làm ăn kém hiệu quả. “Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có sân chơi bình đẳng. Chúng ta không lựa chọn phát triển bằng mọi giá. Việc đầu tư được chú trọng nhằm bảo vệ môi trường, phát triển những lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ mới” - ông Hải cho hay.

Phát triển thị trường nội địa

Theo các chuyên gia, một trong những thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu nhưng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tới thị trường trong nước, phát huy nội lực. Với bên ngoài, Việt Nam tăng cường tham gia các hiệp định thương mại tự do, giúp tăng cường cơ hội giao lưu, phát triển với các nước khác nhau. 

Trong trường hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam vẫn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi TPP không phải là hiệp định duy nhất Việt Nam tham gia đàm phán. Hiện tại, Việt Nam đã ký các hiệp định Thương mại tự do có liên quan tới 55 quốc gia đối tác trên toàn thế giới.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển dựa trên sức cạnh tranh, lợi thế so sánh; tích cực hội nhập. Theo Thủ tướng, Việt Nam cần đầu tư vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường năng lực để tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng cao và nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, chính phủ chú trọng kiến tạo khung thể chế pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường, điều kiện Việt Nam và tương thích với các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế. Chính phủ chủ động quản lý các mặt đời sống kinh tế, xã hội theo pháp luật đảm bảo hiệu quả với tầm nhìn dài hạn.

Giảm lãi suất ngân hàng

Ông Trần Đức Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty CP thuốc thú y Đức Hạnh MARPHAVET cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất bình quân 8,5%/năm. Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, kèm theo đó là các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của cả nước. Vì thế, chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1 – 2% trong năm tới và giải quyết nợ xấu hiệu quả nhất. Chính phủ nên vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN. Cải cách thể chế, cải cách hành chính cần đóng vai trò là mũi nhọn đột phá dẫn đường.

MỚI - NÓNG