Đời mình ai lo?

Đời mình ai lo?
TPO - Ở đời, có lúc nghĩ cứ vờ quên- không nhất thiết cái gì cũng theo luật, đã sao nào. Nhưng chuyện này tôi quên thật: hoàn thành chương trình tiêm chủng trước 3 tuổi cho con gái xong, bác sĩ đóng dấu chứng nhận, đưa cho tôi, dặn “cô nhớ mang giấy này nộp lại cho ủy ban.”
Đời mình ai lo? ảnh 1

Tác giả Kiều Bích Hương.

Vác-xin tiêm rồi, ăn chắc rồi, lúc nào tiện việc lên ủy ban nộp chứng nhận mà chẳng được. Nghĩ vậy càng dễ quên. Bây giờ, trước mặt tôi là hai “lệnh truy nã”. Một của ủy ban địa phương: Trong vòng 6 ngày, kể từ khi nhận thông báo này, vẫn không nộp chứng nhận tiêm phòng, sẽ phạt. 

Một thư của Tổ chức sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và môi trường sống thuộc Liên bang Bỉ: y ban đa phương cho biết gia đình ông/bà vẫn chưa gửi chứng nhận này. Có phải ủy ban nhầm lẫn, ông/bà quên, hay còn lí do khác? Từ 26/10/1966, Hoàng gia quy định bắt buộc tiêm vác- xin phòng sốt bại liệt cho trẻ từ 3- 18 tháng tuổi. Làm ơn gửi bản copy chứng nhận này hoặc chụp sổ tiêm phòng chuyển đến địa chỉ email...., càng sớm càng tốt. 

Sau mềm mỏng là cứng rắn: Chúng tôi chờ một tháng. Đây là luật. Nếu không sẽ tra cứu trách nhiệm theo điều 8 về vi phạm Luật chăm sóc sức khỏe ban hành ngày 1/9/1945.

Cuống quít nộp giấy xong, tôi về ngồi thở dốc, tự an ủi “Cũng là bài học. Chứng tỏ người ta còn lo cho mình. Xưa nay vẫn nghĩ có thân phải tự lo, đừng trông chờ người khác.”

Về thăm quê mùa hè vừa rồi, con gái tôi bị viêm phổi nặng. Vài chuyện chứng kiến khi chăm con ốm ở một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội khiến tôi thấm cuộc sống thực ra không tẻ nhạt như mình nghĩ. 

Phòng hồi sức rộng khoảng 50 mét vuông, kê đến 10 giường. Mỗi giường 3 bệnh nhân và thêm chừng ấy người nhà theo chăm sóc. Máy điều hòa cũng không thở nổi, huống chi người. Lại người bệnh. Đủ loại bệnh nhét chung vào đó: chân tay miệng, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm xương, viêm gan... Cô bé 11 tuổi, viêm xương đùi, nằm co chân đã chiếm hơn nửa giường. Thấy tôi xếp đồ vào một góc, con bé an ủi “Cô đừng lo, cháu nằm chéo quen rồi, không đạp vào em đâu.” Đêm ấy, cô bé giữ lời, hi hữu đổi tư thế, không gây động chạm mạnh nào. Đau chân, nằm tư thế khó, con bé vẫn biết nghĩ cho người khác, cả khi đang ngủ.

Hôm sau con tôi sang phòng tự nguyện, tức trả thêm tiền để được ngủ riêng. Đương lúc bệnh viện quá tải, được nhét vào phòng trẻ sinh thiếu tháng nhưng không phải chung giường cũng tốt lắm rồi. Yên tĩnh hẳn. Ở bên những đứa bé chỉ già một cân, đến tiếng khóc cũng phải lắng tai mới rõ. Nhịp sống cả phòng xoay quanh cữ ăn hai tiếng một lần. Hì hục vắt sữa trong màn, cả tiếng kiên nhẫn với đứa bé chỉ mút được hai đến ba chục mi-li-lít sữa. Giường đối diện có người đàn bà không thấy vắt sữa hoặc tập cho con bú. Chàng trai đi theo giúp việc tã lót, pha sữa, mua cơm. Hỏi ra mới biết, bác và cậu từ Thái Nguyên xuống chăm cháu cả tháng trời thay cho người mẹ ốm yếu, người cha ngờ nghệch. Cậu chưa vợ đã tập việc con mọn. Còn bác vừa bế vừa nựng “Cháu Văn Hoa ơi, cố tăng nhanh vài hoa nữa để bác cháu mình về nhà.” 

“Tên là Văn Hoa nhưng cãi hĩm đấy”, bà cụ cũng đi chăm cháu ở giường bên cười cười “Người Tày họ tiến bộ lắm. Bác với cậu mà chăm cháu đẻ non tốt không. Chả bù tháng trước có anh cũng dân tộc ít người mang con về viện này cấp cứu. Con bị rối ruột, bác sĩ bảo phải chuyển viện khác mổ. Anh ta bảo chả có tiền chuyển với mổ đâu, thôi về, chết thì đẻ đứa khác. Ôi thôi nghe thế thì sợ quá, từ bác sĩ đến người nhà bệnh nhân cùng phòng phải lục túi, góp tiền cho anh ta đưa con sang viện khác mổ. Có anh nọ cho hẳn 5 triệu. Còn nhiều người tốt thế đấy.” 

Sát ngày về, Văn Hoa chảy nước mũi, biếng ăn. Chỉ lo vừa cán mốc một cân bảy lạng, đủ chuẩn xuất viện, lại sụt. Bác cháu vẫn được ôm nhau ra cổng viện. Vài chục phút thấy quay vào “Lỡ chuyến xe về Thái Nguyên rồi. Phải đợi sáng mai.” Đêm nay ngủ đâu? Giường cũ đã có cặp lồng, làn nhựa khác thế chỗ. Cũng muốn mời bác cháu Văn Hoa sang giường mẹ con tôi ngủ chung, nhưng con gái tôi chưa biết xoay trở khéo như cô bé 11 tuổi nọ ở phòng bệnh cũ. Bà cụ quyết định nằm đất, nhường góc giường nhỏ bà vẫn nằm ké cùng con gái và đứa cháu đẻ thiếu tháng cho hai bác cháu Văn Hoa. Rõ người Việt, nằm kiểu nào cũng vừa. Giăng màn vẫn lọt hai người đàn bà và hai trẻ sơ sinh trên một chiếc giường đơn. Mà đâu chỉ chia giường, còn san sẻ cả ô- xi nữa.

Tôi quyết định ôm con trốn viện.

Về nhà một đêm, dễ thở hẳn. Mặc kệ bác sĩ đe “Chị cứ quyết trốn, viện cũng chẳng làm gì được, nhưng chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu bệnh tái phát.” Sáng sau trở lại, thấy bà cụ vươn vai duỗi chân ngáp trên giường của mẹ con tôi. “Lâu rồi bà mới được bữa ngủ ngon trên giường. Tỉnh người. Hôm trước nằm đất lạnh cứng lưng. À, bác cháu nhà Văn Hoa về đến nhà rồi. Cậu nó gọi điện báo ra khỏi thành phố con bé ngủ say suốt đường đi, đến Thái Nguyên khỏi cả chảy mũi, ăn khỏe hẳn. Mẹ thiên nhiên kì diệu thế chứ lị.” Bà cụ sang giường bên nựng cháu “Con chó con của bà cũng cố ăn nhiều vào nhá. Chán viện chán phố lắm rồi. Về quê mình có rừng có núi, mấy chốc mà phổng phao, cún nhỉ.” Còn ai lo cho mẹ thiên nhiên?! Một đời người một rừng cây. Được vậy, thế gian chắc chỉ có vài trăm người tốt cũng đủ.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.