Đổi đời từ măng lục trúc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều nông dân tỉnh Bắc Giang đã đổi đời, trong đó có người thu về hàng tỷ đồng/năm từ trồng tre lục trúc để lấy măng.

Mấy năm nay, kinh tế gia đình anh Nguyễn Anh Tú (39 tuổi), ở xã Đại Hóa, huyện Tân Yên phất lên từ măng lục trúc. Anh Tú cho biết, trước anh làm thợ mộc.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ ngày càng giảm sút nên thu nhập từ nghề thợ mộc chẳng được bao nhiêu. Qua thông tin từ bạn bè, anh biết đến loại măng lục trúc ở xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên) cho giá trị kinh tế cao. Anh tìm đến Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu để học hỏi cách làm. Anh được giám đốc hợp tác xã chỉ bảo tận tình cách trồng tre lục trúc và bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, anh trồng tre lục trúc để lấy măng, với diện tích 3ha.

Một năm sau, tre lục trúc cho thu hoạch măng. “Với giá bán 120.000 đồng/kg, tôi có lãi khoảng 800 triệu đồng/ha từ măng lục trúc. Trừ mọi chi phí, với diện tích 3ha trồng tre lục trúc lấy măng, tôi lãi 2,4 tỷ đồng/năm. Hiện tôi đang mở rộng thêm 4ha trồng tre lục trúc”, anh Tú hồ hởi chia sẻ.

Đổi đời từ măng lục trúc ảnh 1

Măng lục trúc giúp nông dân ở tỉnh Bắc Giang thu về hàng tỷ đồng/năm

Anh Dương Tùng Lâm, ở xã Ngọc Châu là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu. Anh sinh năm 1990. Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế từ măng lục trúc, anh tham gia hợp tác xã. Anh mạnh dạn vay vốn thuê 10 ha đất ở huyện Tân Yên để trồng tre lục trúc lấy măng. Năm nay, anh bắt đầu có thu từ măng lục trúc, hứa hẹn mang về hàng tỷ đồng.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, măng lục trúc mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành mặt hàng nông nghiệp quan trọng của huyện.

Bên ấm trà nóng, chị Dương Thị Luyện (sinh năm 1967), Giám đốc Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên) cho hay, vào khoảng đầu những năm 1990, một đơn vị của Đài Loan phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành trồng thử nghiệm tre lục trúc để lấy măng ở xã Ngọc Châu. Sau đó, đơn vị này rút lui.

Một người dân ở trong xã làm kỹ thuật trong khu vực trồng thử nghiệm tre lục trúc đã tìm cách nhân giống tre này để trồng ở vườn nhà. Loại tre lục trúc sinh trưởng tốt, măng ăn giòn, ngọt và ngon nên chị Luyện và một số người dân địa phương bắt đầu nhân rộng trồng ở vườn nhà. Sau đó, một số nhà hàng của Nhật Bản ở Hà Nội có tìm về xã Ngọc Châu thu mua măng lục trúc để chế biến thành các món ăn bán cho khách Nhật.

Thấy thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về măng lục trúc và bán được giá cao, năm 2018, chị Luyện thành lập hợp tác xã để quy tụ bà con trong và ngoài xã cùng phát triển kinh tế từ loại măng này. Mới đầu Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu chỉ có 8 thành viên.

Sau khi thành lập, hợp tác xã được cơ quan chức năng huyện Tân Yên và tỉnh Bắc Giang hỗ trợ việc trồng tre lục trúc để lấy măng theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng. “Việc trồng tre lục trúc để lấy măng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh đẹp cho làng quê. Sản phẩm măng lục trúc của hợp tác xã đạt OCOP 4 sao và được bán trong các siêu thị, nhà hàng Nhật Bản. Chúng tôi làm ra không đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường”, chị Luyện cho biết.

MỚI - NÓNG