Đối diện và vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế

Đối diện và vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế
Thực tiễn cho thấy, thời gian vừa qua, hàng hoá nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã và đang gặp khó khăn với các quy định nghiêm ngặt của nước nhập khẩu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS).

Không ít sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị từ chối nhập khẩu hoặc bị trả về do còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm vi sinh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Thực trạng này phản ánh điều gì?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Kim Sơn – Chuyên gia nông nghiệp, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này. 

Thưa ông, thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các lô hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã bị trả về do không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như biện pháp kiểm dịch động thực vật từ các quốc gia nhập khẩu. Từ góc độ chuyên gia về nông nghiệp, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Có thể nói, mới thoáng qua, chúng ta nghĩ ngay đến vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như vấn đề xử lý, chế biến, vấn đề quy trình, áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc… Tuy nhiên, sâu xa hơn, theo tôi, đó là câu chuyện về tổ chức. Đa số doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, các cam kết quốc tế về vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật, thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, luồn lách để đưa hàng hóa kém chất lượng ra thị trường nước ngoài. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ uy tín của hàng hóa của không ít doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng, bị các quốc gia từ chối hoặc trả về. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để tổ chức tốt các chuỗi giá trị, tổ chức tốt các hiệp hội ngành hàng để lọc ra được các doanh nghiệp yếu, năng lực cạnh tranh thấp, đảm bảo nguồn xuất khẩu từ các doanh nghiệp tốt, hướng đến chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.

Có ý kiến cho rằng, trong khi hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn với các quy định ngày càng khắt khe về hàng rào kỹ thuật hay các biện pháp kiểm dịch động thực vật thì các sản phẩm nông sản, thực phẩm nước ngoài vào Việt Nam lại khá dễ… Ông nghĩ sao về nhận định này?

Việc nông sản nhập khẩu ồ ạt tràn vào nước ta đang gây ra nhiều mối lo ngại. Điều dễ nhận thấy nhất là các mặt hàng nông sản ngoại nhập đang lấn át những hàng nông sản trong nước. Thị trường tiêu thụ nông sản trong nước trở nên khắt khe hơn vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập. Người nông dân Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn trong việc tiêu thụ và định giá hàng hóa sản xuất. Bên cạnh đó, một mối lo ngại trực tiếp hơn lại chính là chất lượng của các loại hàng nông sản nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trực tiếp. Bởi lẽ, tình trạng nhập khẩu nông sản tăng đột biến trong thời gian vừa qua không thể bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào của các loại thực phẩm…

Chúng ta không phải chưa có các văn bản pháp lý về vấn đề này và cũng không phải chưa dựng lên các hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, điều đáng nói là hệ thống chính sách hiện nay còn có những kẽ hở, công tác quản lý vẫn còn chồng chéo nên thiếu hiệu quả. Trong khi các nước đang đưa ra nhiều quy định, yêu cầu khắt khe hơn đối hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản phục vụ tiêu dùng trực tiếp thì chúng ta lại buông lỏng trong việc đưa ra các yêu cầu ngược lại với phía đối tác. Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ nông sản nhập khẩu vừa là hình thức bảo vệ nông sản nội vừa là cách để bảo vệ người tiêu dùng trước những sản phẩm kém chất lượng từ ngoài tràn vào.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu hình thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quá cao, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được?

Trong quan hệ thương mại giữa các nước luôn quy định, không được dùng hàng rào kỹ thuật để gây khó khăn, ảnh hưởng quan hệ thương mại của nhau. Hàng rào kỹ thuật đưa ra là để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng không thể lợi dụng việc đó để "ngăn sông cấm chợ" hàng hóa của nước khác. Chúng ta đã ký các Hiệp định thương mại tự do, tham gia sân chơi quốc tế thì chúng ta cũng phải tuân thủ các nguyên tắc này.

Ở Việt Nam, khi xây dựng hàng rào kỹ thuật quá cao thì hạn chế sản xuất trong nước, nếu xây dựng thấp thì các nước dễ dàng đáp ứng nên những biện pháp chúng ta áp dụng vào để bảo vệ doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Việt Nam cần áp dụng những biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước hiệu quả hơn.

Ông có chia sẻ gì về việc các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật ngày càng cao của các quốc gia nhập khẩu?

Khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những lô hàng thủy sản đầu tiên sang thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt đã tuân thủ khá tốt các quy định từ quốc gia nhập khẩu và vượt qua được những hàng rào kỹ thuật khá nghiêm ngặt từ các thị trường khó tính. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng cao, khi chúng ta tăng khối lượng hàng hóa lên, khi chúng ta đưa thêm các doanh nghiệp vào sân chơi lớn thì đội hình của chúng ta phải bằng nhau, phải đuổi kịp với mức độ ngày càng cao hơn, phức tạp hơn của thị trường quốc tế. 

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 08h55’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG