Đối diện nhiều thách thức, ngành tôm vẫn đặt mục tiêu kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2023 mặc dù được dự báo tiếp tục nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành tôm vẫn đặt mục tiêu tăng cả về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu… Thông tin tại hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2023 diễn ra ngày 3/3 tại Sóc Trăng.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, cả nước có diện tích thả tôm nước lợ đạt 747.000ha (bằng năm 2021), trong đó, tôm sú 610.000ha, tôm thẻ chân trắng 117.000ha, còn lại là tôm càng xanh và các loại tôm khác. Sản lượng tôm các loại đạt hơn 1,08 triệu tấn (tăng 8,5% so với năm 2021), trong đó, tôm sú 271.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 743.000 tấn…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021 và chiếm gần 40% tổng giá trị XK thủy sản. Đây cũng là mức kỷ lục của XK tôm từ trước đến nay.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới, chiếm 13- 14% tổng giá trị XK tôm toàn cầu. Tôm Việt Nam đã XK sang 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường hàng đầu là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đối diện nhiều thách thức, ngành tôm vẫn đặt mục tiêu kỷ lục ảnh 1

Thu hoạch tôm ở ĐBSCL.

Còn nhiều thách thức

Nhiều nhận định cho rằng ngành tôm đang đối diện nhiều khó khăn đến từ các vấn đề như con giống, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào, nguồn vốn… Dẫn chứng so sánh với Ecuador (quốc gia XK tôm hàng đầu thế giới), đại diện Tập đoàn Thủy sản Việt Úc cho biết, tại Ecuador, tỷ lệ thả tôm nuôi sống trung bình là 65%, tỷ lệ người nuôi thành công, có lãi là trên 90%.

Trong khi đó, ở Việt Nam thường nuôi ở mật độ cao, thực tế tỷ lệ có lãi chỉ đạt 20- 30%. Mặc khác, Ecuador nuôi ở quy mô lớn, người nuôi tiếp cận được giá tôm giống, thức ăn trực tiếp từ nhà máy nên giá thành rất thấp và đầu ra ổn định hơn…

Theo ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực khác của biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản. Cùng với đó là những tác động khác như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá xăng dầu tăng, giá vật tư đầu vào cũng tăng cao, chất lượng con tôm giống chưa đảm bảo, dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu tăng trở lại… Dự báo năm 2023, người nuôi tôm và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP - nhận định, XK tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn, khả năng nhu cầu thị trường chỉ phục hồi bắt đầu từ quý II, nhưng xu hướng giá sẽ thấp hơn năm 2022 do nguồn cung tăng lên khoảng 6 triệu tấn.

Ngành tôm Việt Nam cũng đối diện với thách thức cạnh tranh mạnh hơn từ các đối thủ như Ecuador và Ấn Độ. Riêng sản lượng tôm năm 2023 của Ecuador dự kiến đạt 1,5 triệu tấn tôm thẻ chân trắng, gấp đôi của Việt Nam (hơn 700.000 tấn).

Nguồn cung dồi dào là một lợi thế của Ecuador, chưa kể nước này có lợi thế về vị trí địa lý, chi phí sản xuất thấp. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến XK càng thêm khó khăn…

Đối diện nhiều thách thức, ngành tôm vẫn đặt mục tiêu kỷ lục ảnh 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, hiện nay chỉ mới có 50% giống có nguồn gốc, chất lượng cao, còn lại là không đảm bảo. Các đơn vị, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố con giống, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục đầu tư để các doanh nghiệp sản xuất tôm giống phát triển. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực về công nghệ, thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực.

Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý đến vấn đề quy hoạch, trong đó cần tích hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành. Nông nghiệp vẫn là một lợi thế của quốc gia, trong đó thuỷ sản nói chung hay con tôm nói riêng là một mũi nhọn thì cũng cần phải có quy hoạch.

“Năm 2023 vẫn sẽ là một năm hết sức khó khăn, nhưng ngành vẫn mạnh dạn đề ra mục tiêu phấn đấu về sản lượng và kim ngạch XK tôm từ bằng đến cao hơn năm 2022. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các đơn vị và địa phương, đặc biệt là đảm bảo cho vụ nuôi thành công để tạo nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động trong chế biến, XK” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu diện tích thả nuôi 750.000ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn và kim ngạch XK trên 4,3 đến 4,5 tỷ USD.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.