Ngày 17/4, thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh này tiến hành khảo sát những vị trí dự kiến di dời doanh nghiệp.
Lộ trình thực hiện di dời doanh nghiệp tại các địa phương phía Nam về các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024 và kéo dài đến năm 2030. Số lượng di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp, nhà máy ra khỏi các khu dân cư.
Theo kế hoạch, khu công nghiệp Bình Đường (phường An Bình, thành phố Dĩ An) sẽ được chọn để chuyển đổi công năng, thực hiện di dời thí điểm. Khu công nghiệp này được thành lập từ năm 1993, có quy mô 16,5 ha do Tổng công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này đang có 11 doanh nghiệp, gồm 5 doanh nghiệp thuê đất và 6 doanh nghiệp thuê nhà xưởng.
Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ chuyển đổi công năng KCN Bình Đường để thí điểm |
Trong khu công nghiệp này có Công ty TNHH Sung Hyun Vina (Hàn Quốc) đang thuê đất với quy mô lớn. Công ty có 3 nhà máy chuyên sản xuất hàng may mặc đang hoạt động tại Bình Dương với hơn 2.000 lao động. Đây là doanh nghiệp được chọn để thí điểm di dời đầu tiên.
Đại diện doanh nghiệp này đồng thuận với chủ trương chuyển đổi công năng, di dời nhà máy lên phía Bắc của tỉnh Bình Dương. Đồng thời mong muốn địa phương có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời nhà máy, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động bị ảnh hưởng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, việc di dời là cần thiết, song phải thực hiện thận trọng và khoa học, đảm bảo lợi ích chung của người lao động, doanh nghiệp và của tỉnh. Vì vậy thống nhất chọn Khu công nghiệp Bình Đường, Công ty TNHH Sung Hyun Vina để làm thí điểm chuyển đổi công năng và di dời nhà máy, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng ra toàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đến làm việc với doanh nghiệp về việc di dời nhà máy và nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp. |
Theo ông Lợi, chủ trương di dời các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh là một chủ trương lớn, góp phần chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ở các địa phương phía Nam.
Bình Dương xây dựng các nhóm chính sách hỗ trợ như: Chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; chính sách hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, chính sách hỗ trợ cho lao động cần thông qua doanh nghiệp để họ tự tổ chức tuyển dụng; chỉ định bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… thay vì ưu đãi tiền lương là cách làm hiệu quả lâu dài.
Sơ đồ KCN Bình Đường, nơi thí điểm di dời doanh nghiệp tại Bình Dương |
Theo kế hoạch, Bình Dương định hướng các khu, cụm công nghiệp phục vụ di dời là các khu công nghiệp đã có thủ tục pháp lý, như: KCN Cây Trường (huyện Bàu Bàng), KCN Rạch Bắp mở rộng và các cụm công nghiệp (huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo). Tỉnh cũng thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành để phục vụ di dời nhà máy của các doanh nghiệp gốm sứ, đồ gỗ.