Thường chúng tôi gom thêm SGK của một vài gia đình cùng “cảnh ngộ”, rồi chờ tới chuyến công tác của ông anh lên một nhà máy trên tận Bắc Kạn, nhờ chở lên tặng cho con em của các công nhân nghèo trên đó.
Kể chuyện này để thấy rằng, hầu hết các gia đình ở thành phố bây giờ không ai để cho con mình dùng SGK cũ nữa, dù nội dung vẫn y chang. Theo tôi, có mấy lý do sau : Không thể để cho con mình phải “thua bạn kém bè”, cả lớp đều dùng SGK mới cứng còn thơm mùi mực trong khi con mình lại phải dùng sách cũ. Chả nhẽ, cuối năm học cả lớp đều đăng ký mua bộ SGK mới với nhà trường mà mình lại không mua, không giống ai sao ? Và nguyên nhân thứ ba này mới là quan trọng nhất, SGK ở ta thời “fast food” dường như người thiết kế đã có chủ đích khuyến khích học sinh “dùng một lần rồi vứt”, bởi rất nhiều bài tập trong SGK được ra dưới dạng “điền vào ô trống” để các em thoải mái làm bài, ghi đáp số trực tiếp lên đó. Bạn nào có ý thức ghi bằng bút chì thì còn có thể tẩy đi được, đa số tương thẳng bút mực vào rồi gạch gạch xóa xóa, cuối năm cuốn SGK trông không khác gì cuốn vở nháp! Đáng buồn, thế hệ HS bây giờ không còn ý thức phải giữ gìn SGK cho lứa sau như thời chúng tôi nữa rồi !
Mùa tựu trường năm nay, cả nước nháo nhào vì hiện tượng thiếu SGK, đặc biệt là SGK các lớp đầu cấp như lớp 1, 6 và 10. Tìm nguyên nhân, quá dễ ! Cứ hỏi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB), nơi độc quyền in ấn và phát hành SGK trên toàn quốc là ra hết. Theo lý giải của lãnh đạo NXB này trên báo chí, do số lượng HS đầu cấp tăng đột biến ở một số thành phố lớn và do thông tin sắp thay SGK đầu cấp nên các Cty sách - thiết bị trường học địa phương đặt ít để tránh tồn kho.
Theo logic, dường như lý do sắp thay SGK mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khan hiếm SGK đầu cấp hiện nay. Bởi nếu lượng HS tăng đột biến, chắc chỉ có lớp 1 là bị động, còn với lớp 6 và lớp 10 chả nhẽ các năm trước các em không cần tới SGK ?
Mỗi năm Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn và phát hành khoảng 100 triệu cuốn SGK. Nếu tính giá trung bình khoảng 10.000 đồng/cuốn, vị chi phụ huynh cả nước sẽ phải tiêu tốn 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho việc mua SGK, chưa kể rất nhiều các loại sách tham khảo, nâng cao khác. Như vậy, hàng năm cứ đến mùa tựu trường, các gia đình Việt Nam phải chi 1.000 tỷ đồng mua SGK mới và cũng “vứt đi” khoảng 1.000 tỷ đồng nữa cho đống SGK cũ không được tái sử dụng. Với 12 năm học phổ thông, để đến khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp THPT, ước tính các gia đình Việt Nam đã phải tiêu tốn khoảng 12 ngàn tỷ đồng cho việc mua SGK. Xót xa thay, một sự lãng phí khủng khiếp trong bối cảnh đất nước còn nghèo !
100 triệu cuốn SGK mỗi năm, thử hỏi bao nhiêu tài nguyên nước và rừng đã phải tiêu tốn để làm ra núi SGK khổng lồ, dùng một lần rồi vứt đi này ? Thiết nghĩ, sự kiện thiếu SGK đầu cấp gây xôn xao dư luận lần này, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về việc độc quyền trong xuất bản và phát hành SGK mà thôi. Lợi nhuận của việc in ấn, phát hành 100 triệu cuốn SGK mỗi năm là bao nhiêu ? Ai hưởng ? Vì sao thị trường SGK hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mãi vẫn nằm trong tay một NXB ?
Nói gọn lại, câu chuyện về SGK tại Việt Nam chỉ nằm ở 4 chữ mà thôi : Độc quyền, lãng phí !