'Độc nhất vô nhị' kho phim tư liệu quý

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân Thượng tá Nguyễn Thu Dung dành cho Tiền Phong cuộc trò chuyện cặn kẽ về kho phim tư liệu quý giá.

Hàng nghìn mét phim tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc... Đây là những nội dung quý hiếm của kho lưu trữ do Điện ảnh Quân đội nhân dân bảo quản. Quy trình nghiêm ngặt về nhiệt độ, độ ẩm được thiết lập để duy trì kho lưu trữ lên tới hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa.

'Độc nhất vô nhị' kho phim tư liệu quý ảnh 1
Kho lưu trữ bảo quản một khối lượng lớn thước phim quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ảnh: ĐAQĐND

Hàng chục vạn mét phim nhựa

Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) không chỉ là đơn vị sản xuất phim của quân đội, còn là trung tâm lưu trữ phim điện ảnh lớn và duy nhất trong toàn quân. Đến nay, 1.005 bộ phim nhựa, 262 phim video và kỹ thuật số, hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa được đặt trong vòng bảo mật cao với quy trình bảo quản nghiêm ngặt nhất.

Chiếc áo bông bộ đội dày dặn không thể thiếu dành cho nhân viên bảo quản trước khi bước vào căn phòng có mức nhiệt không quá 10 độ C. Ba kho lưu trữ được phân chia theo thể loại tư liệu. Mỗi phòng tư liệu chia thành các khoang, kệ được đặt trên các thanh ray trượt thuận tiện cho quá trình cất giữ và lấy tư liệu khỏi các hộp bảo quản.

'Độc nhất vô nhị' kho phim tư liệu quý ảnh 2

Nội dung tư liệu rất đa dạng, trong đó phải kể đến các tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, các sự kiện lịch sử, các hoạt động quân sự mang tính cơ mật. “Điện ảnh QĐND đang lưu trữ một khối lượng lớn các phim 16mm của Điện ảnh Quân Giải phóng (là một bộ phận của Điện ảnh QĐND nằm ở B2 trong kháng chiến chống Mỹ) và phim 16mm thu được của quân đội Việt Nam Cộng hòa sản xuất trước năm 1975. Kho tư liệu trên là tài sản vô giá của quân đội nói riêng, của đất nước nói chung”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung cho biết.

Hàng vạn mét phim được tích lũy từ khi đơn vị được thành lập năm 1960. Từ những ngày thành lập đến năm 1975, kho phim được sơ tán đi nhiều nơi để tránh chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Thượng tá Nguyễn Thu Dung kể, trong điều kiện kho tàng thô sơ, khó khăn và thiếu thốn, kho phim vẫn được bảo quản tốt. Xưởng phim Quân Giải phóng trong thời kỳ bom đạn này đã in tráng và sản xuất các tư liệu ghi được tại chiến trường B2 bằng phương tiện thủ công, trong điều kiện chiến đấu rất ác liệt.

Những thước phim đánh đổi bằng máu

Kho tư liệu phim vô giá lưu trữ những thước phim chân thực, sinh động nhất về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, vừa phục vụ sản xuất phim, vừa phục vụ việc nghiên cứu lịch sử. “Có thể nêu ra ngay ba giá trị lớn nhất của kho tư liệu này. Đó là giá trị về tư liệu, về lịch sử, văn hóa, tư tưởng và giá trị dựa trên cái giá phải trả để có được”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung nêu.

Điện ảnh QĐND đã giành 15 giải tại các liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim Leipzig, Liên hoan phim thế giới Bungaria, Liên hoan phim Thể thao Quân đội xã hội chủ nghĩa Leningrad, Liên hoan phim Moscow, Liên hoan phim Quân đội xã hội chủ nghĩa CHDC Đức, Liên hoan phim Quốc tế Salemo, Italia, Liên hoan phim Quân đội xã hội chủ nghĩa Bungaria…

Tại các giải thưởng và liên hoan trong nước, Điện ảnh QĐND đoạt 31 Bông sen Vàng, 47 Bông sen Bạc, 13 Giải thưởng cá nhân xuất sắc... 5 Giải A/Cánh diều Vàng, 19 Giải B/Cánh diều Bạc, 23 Giải C, Giải Khuyến khích và Bằng khen; 1 Giải Xuất sắc, 10 Giải A, 16 Giải B, 09 Giải C, 05 Giải Khuyến khích và Bằng khen của Bộ Quốc phòng và nhiều giải thưởng khác.

Đối với điện ảnh, đặc biệt là điện ảnh tài liệu, phim tư liệu có vai trò đặc biệt quan trọng để đảm bảo tính chân thực của tác phẩm. Những thước phim tư liệu đã đóng vai trò chứng nhân lịch sử, những hiện thực lịch sử sinh động của các cuộc chiến tranh.

Ở khía cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa, tư tưởng, kho tư liệu lưu giữ những hình ảnh phản ánh trang phục, sinh hoạt, văn hóa của một giai đoạn lịch sử, một địa phương giúp chúng ta hình dung tư tưởng đại đoàn kết, tư tưởng độc lập dân tộc, bầu không khí xã hội của đất nước ta những năm kháng chiến và xây dựng Tổ quốc. Những tư liệu này trở thành tài sản tinh thần vô giá của lớp lớp thế hệ người Việt Nam.

“Giá trị thứ ba của kho tư liệu phim được xem xét dựa trên cái giá phải trả để có được nó. Để tích lũy được kho hình ảnh hôm nay, những nhà quay phim của Điện ảnh QĐND đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức, xương máu và cả tính mạng trên những nẻo đường làm phim.

Qua các cuộc chiến tranh và cả trong thời kỳ hoà bình, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều phóng viên, nghệ sỹ của chúng tôi để lại một phần máu xương trên các chiến trường. 38 liệt sỹ ngã xuống khi đồng hành với các đoàn quân đi chiến đấu, khi tác nghiệp ở những khu vực nguy hiểm trong thời bình”, Giám đốc Điện ảnh QĐND chia sẻ.

'Độc nhất vô nhị' kho phim tư liệu quý ảnh 3
Kho phim tư liệu lên tới hàng vạn mét phim nhựa của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Ảnh: KỲ SƠN

Trong kho chứa hàng vạn mét phim này, có nhiều phim tư liệu quý về các sự kiện, hoạt động quân sự, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mang tính chất mật như tư liệu Trung ương, Bộ Chính trị họp, tư liệu trong kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh tư liệu về cuộc sống, sinh hoạt, công tác của Hồ Chủ tịch, về quá trình xây dựng Lăng Bác. Bên cạnh đó còn có các thước phim của Điện ảnh Quân Giải phóng, phim tư liệu về biển, đảo, hoạt động đối ngoại quốc phòng hiện nay.

Đặc biệt có thể kể đến một số phim về hoạt động của quân đội Việt Nam Cộng hòa thu được, trong đó có những nhân vật trong chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng hòa, các đơn vị quân đội Mỹ và các nước chư hầu, các tướng tá Mỹ tham chiến tại chiến trường Nam Việt Nam...

“Những thước phim tư liệu của Điện ảnh QĐND đều mang tính chân thực, toàn diện, thuyết phục, mang tính giáo dục truyền thống cao. Đáng chú ý là các tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong học tập, chiến đấu và công tác tăng gia sản xuất, đặc biệt những thước phim quý giá về những giây phút cuối đời của Bác.

Bên cạnh đó là hình ảnh quân và dân ta trong Kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, hình ảnh ghi được trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh người lính Cụ Hồ thực hiện nghĩa vụ quốc tế...

Chính những thước phim được kịp thời ghi lại từ nơi mưa bom bão đạn, trong điều kiện khó khăn gian khổ, phản ánh bầu không khí chiến đấu vì độc lập, vì tự do của thời đại Hồ Chí Minh góp phần cổ vũ, động viên toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà, tiến tới xây dựng đất nước phồn vinh, tươi đẹp”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung nêu.

Ứng dụng công nghệ bảo quản tư liệu

Nhân viên bảo quản kho phim tư liệu được đào tạo qua trường lớp về chuyên ngành bảo quản, lưu trữ hoặc các trường liên quan tới kỹ thuật điện ảnh - truyền hình, trình độ từ cao đẳng trở lên. Nhiệm vụ bảo quản kho phim tư liệu được tuân thủ nghiêm túc theo quy định.

Phim trước khi đưa vào lưu kho phải được quay đảo, kiểm tra tình trạng, sau đó đánh số lưu trữ cho từng thể loại phim. Mỗi một phim đều ghi rõ các thông tin về tên phim, năm sản xuất, số cuốn, thể loại… Phim được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 9-10 độ C, độ ẩm 30-35%. Phim được sắp xếp trên các giá di động được đánh số lưu trữ theo từng thể loại.

'Độc nhất vô nhị' kho phim tư liệu quý ảnh 4
Phim tư liệu được bảo quản nghiêm ngặt trong nhiệt độ ổn định 10 độ C, được kiểm tra định kỳ nhằm kịp thời phục chế. Ảnh: KỲ SƠN

Đội ngũ bảo quản quay đảo phim định kỳ, thường xuyên 3-5 năm/1lần. Trước khi lấy phim ra kiểm tra phải để trong phòng trung chuyển ít nhất 24 tiếng. Trong quá trình quay đảo phát hiện phim bị mốc, bụi bẩn phải lau rửa ngay. Hai cách để lau rửa phim: thứ nhất rửa bằng máy siêu âm với dung dịch chuyên dụng, thứ hai lau thủ công bằng cồn và khăn nhung. Trường hợp phim bị đứt, rách hoặc lưu kho lâu năm, phim bị xuống cấp cần được tu sửa phục chế.

Giám đốc Điện ảnh QĐND cho biết phần mềm phục chế Phoenix Finish của Digital Vision được sử dụng cho quá trình phục chế. Bên cạnh phục chế những đoạn phim tư liệu ngắn còn xoá xước, bụi cho các phim thành phẩm. Phim nhựa sau khi được số hóa, phục chế sẽ được in chuyển ngược lại định dạng nhựa bằng máy định dạng số 2K.

Công tác số hoá phục chế phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân đang từng bước được nâng cao và cho kết quả khả quan. Hiện nay, Điện ảnh QĐND ưu tiên tu sửa phục chế những phim thường xuyên in trích tư liệu.

“Bên cạnh sản xuất phim kỹ thuật số, Điện ảnh QĐND là đơn vị duy nhất còn sản xuất phim nhựa. Với sự trợ giúp của hệ thống số hóa, dữ liệu nhựa được chuyển qua dữ liệu số, người dựng có thể sử dụng dữ liệu số để tiến hành dựng trên các phần mềm dựng phim tiện lợi, hiệu suất cao hơn, hiệu quả về kinh tế”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung chia sẻ.

Biên tập, giải mật và khai thác tư liệu

“Chúng tôi bước đầu khảo sát, giải mật các tư liệu phim thu được của Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng hòa từ năm 1975. Sắp tới, chúng tôi tiến hành xây dựng, báo cáo và thực hiện Dự án biên tập, giải mật, khai thác nguồn tư liệu quý giá này để đưa vào khai thác, sử dụng trong sản xuất phim”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung cho biết.

Bên cạnh lưu trữ, bảo quản kho tư liệu, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bồi đắp hình ảnh tư liệu về Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, ghi lại những hoạt động và cống hiến không ngừng nghỉ của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

MỚI - NÓNG