TPO - Trong số các loại súng thần công thời Nguyễn còn sót lại ở di tích thành Điện Hải, cây súng vừa được phát hiện tại bờ biển phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) là khẩu thần công bằng đồng đầu tiên được tìm thấy ở thành phố này. Đây là một sự kiện gây chú ý và tạo phấn khích cho các nhà quản lý, giới nghiên cứu và nhân dân thành phố Đà Nẵng, cùng những người quan tâm trên cả nước.
Bảo tàng TP Đà Nẵng vừa công bố kết quả nghiên cứu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Huế) về khẩu súng thần công vừa được phát hiện tại TP Đà Nẵng hồi tháng 5/2019.
Vào 23/5/2019, trong khi thi công bờ kè biển Liên Chiểu, một nhóm công nhân phát hiện khẩu thần công và bàn giao cho cơ quan chức năng. Đây là khẩu thần công bằng đồng đầu tiên được tìm thấy ở thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành Theo ông Tiến, do trên súng không có một dòng chữ hay ký hiệu nào, ngoại trừ những chữ Hán được khắc thêm bằng tay ở mặt ngoài của hai trục quay, nhưng không liên quan đến thông tin về nơi sản xuất và năm đúc, nên để xác định xuất xứ và niên đại khẩu thần công bằng đồng này. Ngoài việc dựa vào những tư liệu lịch sử cần tra cứu, còn phải căn cứ kiểu dáng, đặc điểm cấu tạo, kỹ thuật đúc và các mô-tip hoa văn trang trí trên súng mới có thể kết luận.
Thân súng thần công bằng đồng tìm thấy ở Đà Nẵng có hình trụ tròn không đều, đường kính đáy súng giáp khối hậu là 208 mm, nhỏ dần đến cổ miệng súng, rồi nở ra ở loa miệng súng với đường kính 146 mm. Toàn thân súng có 3 bộ phận: khoang buồng nạp thuốc súng, bầu súng và nòng súng. Bên trong thân súng là khoảng âm của lòng súng hình trụ tròn đều, được bố trí theo trục chính tâm, dài từ miệng súng đến đáy bầu súng, có đường kính 60 mm
Viên đạn còn sót lại ở khẩu súng thần công độc đáo này. Súng thần công có chiều dài toàn bộ 174,1 cm, gồm hai phần là thân súng dài 160,3 cm và chuôi súng (khối hậu) dài 13,8 cm. Ảnh: Nguyễn Thành Khoang buồng nạp thuốc súng nối khối hậu và đáy bầu súng, là nơi được đúc dày dặn và vững chắc nhất, có thêm đai chuôi súng và đai đáy bầu súng bảo vệ. Bên trong có đúc khoảng âm hình trụ tròn thông với lòng súng, nhưng đường kính nhỏ hơn, khoảng chừng 30 mm, là nơi để nhồi thuốc súng khi bắn. Mặt trên, ở chính giữa là lỗ ngòi để nhét dây dẫn lửa hoặc đổ thuốc mồi, rộng từ 7 đến 8 mm, có gờ viền quanh hình vuông để giữ thuốc mồi. Bên phải lỗ ngòi có thêm một lỗ thoát khí rộng 3 mm. Bầu súng có hai đoạn. Đoạn gia cố đáy bầu là nơi chứa quả đạn khi bắn, tiếp giáp và thông với buồng nạp thuốc súng. Mặt trên của đoạn này là một khối hoa văn hình ô-van được đúc nổi, có tâm là hình chim phượng hoàng xòe cánh đạp chân trên ngọn sóng, được viền quanh bởi hai nửa vòng tròn sóng nước cách điệu ôm dải hoa văn hình các hoa thị 4 cánh xếp nối tiếp nhau, ngoài cùng là hoa văn vòng nguyệt quế cách điệu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho hay : Căn cứ kiểu dáng, cấu tạo các bộ phận của súng, kỹ thuật đúc hoa văn nổi cùng các biểu tượng trong hoa văn trang trí trên thân súng, quai súng, cách bố trí lỗ thoát khí rất đậm nét loại súng đồng cổ của Hà Lan, cộng thêm phần chữ Hán chỉ khắc tay đơn sơ ở hai trục quay của triều Nguyễn để hướng dẫn pháo thủ sau mỗi lượt bắn, có thể khẳng định khẩu thần công bằng đồng này có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng được triều Nguyễn sở hữu, và nó rất đồng dạng ở nhiều điểm với 3 khẩu thần công Hà Lan đúc những năm 1640, 1661, 1677-1678 đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay.
Thân súng thần công bằng đồng tìm thấy ở Đà Nẵng có hình trụ tròn không đều, đường kính đáy súng giáp khối hậu là 208 mm, nhỏ dần đến cổ miệng súng, rồi nở ra ở loa miệng súng với đường kính 146 mm. Ảnh: Nguyễn Thành Căn cứ kiểu dáng, cấu tạo các bộ phận của súng, kỹ thuật đúc hoa văn nổi cùng các biểu tượng trong hoa văn trang trí trên thân súng, quai súng, cách bố trí lỗ thoát khí rất đậm nét loại súng đồng cổ của Hà Lan. Ảnh Nguyễn Thành Theo nhà Nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, tuy chúa Nguyễn không có quan hệ mua bán súng thần công với Hà Lan, nhưng một số súng của Hà Lan vẫn nằm trong tay chúa Nguyễn, do lấy được từ chiếc tàu Kemphaan mắc cạn gần khu vực Hoàng Sa năm 1633, từ tàu Der Gooes bị đắm ở bờ biển Đàng Trong năm 1661; và những giao dịch mua bán, biếu tặng súng thần công Hà Lan của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài những năm 1649, 1651, 1652-1654, 1655, 1657, 1662, 1674(1) đã khiến số súng này lọt vào tay triều Nguyễn sau ngày thắng lợi cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Nguyễn Thành Một vết trám trên súng đồng thần công. Súng thần công bằng đồng có xuất xứ từ Hà Lan, tuy không ghi tên xưởng đúc và năm đúc như một số súng đồng Hà Lan còn lưu giữ ở Việt Nam và một số nơi trên thế giới, nhưng đồng dạng trên các khía cạnh kiểu dáng, cấu tạo kỹ thuật và hoa văn trang trí với những khẩu thần công bằng đồng của Hà Lan xuất xưởng và du nhập vào Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành. Một khẩu súng thần công được trưng bày tại bảo tàng TP Đà Nẵng ở thành Điện Hải. Các khẩu thần công đang được trưng bày được đúc bằng gang và kích cỡ lớn hơn nhiều. Khẩu súng bằng đồng vừa phát hiện là một phần di sản vô giá, độc đáo trong kho tàng di vật chống quân xâm của dân tộc ở mặt trận Đà Nẵng giữa thế kỷ XIX còn tồn tại đến hôm nay. Ảnh: Nguyễn Thành