Theo người dân La Phù, tục rước lợn bắt nguồn từ việc khao quân của Đức thánh Tam Lang Đại Vương (một lạc tướng thời Hùng Vương), có công đánh đuổi giặc Thục. Tương truyền, mỗi khi Đức thánh tập hợp quân sĩ đánh giặc thường thổi xôi, mổ lợn để khao quân, từ đó tục rước “ông lợn” ra đời.
Sáng sớm 20/2 (tức 13 tháng Giêng), nhiều người ở thôn Hoa Thám đã tới gia đình ông Nguyễn Quang Cương (79 tuổi, La Phù) để chuẩn bị cho buổi rước "ông lợn" của thôn này.
Quy trình mổ lợn cũng được tiến hành tỉ mỉ. Công phu nhất là công đoạn bóc lá mỡ. Người thợ phải làm khéo léo để giữ nguyên lá mỡ làm áo choàng phủ lên mình “ông lợn”. Tiếp đó, trang điểm cho “ông lợn” bằng giấy màu, hoa,…
Được biết, “ông lợn” được tuyển chọn và nuôi dưỡng kỹ lưỡng. Gia đình được nuôi “ông lợn” phải là gia đình có truyền thống nề nếp văn hóa, nhà không có tang trong vòng 1 năm. Trường hợp gia đình có tang bất ngờ phải chuyển “ông lợn” qua gia đình khác. Theo các cụ trong làng, “ông lợn” được nuôi riêng với đàn lợn.
Khoảng 18h, các thôn bắt đầu rước lợn tế lên đình.
Năm nay, gần 20 “ông lợn” được các thôn rước ra Đình dâng lễ. Tuy nhiên, những thôn “lớn”, khá giá sẽ được rước 2 “ông lợn”.
“Ông lợn” được rước đi trên quãng đường dài khoảng 1km, từng đám rước diễn ra rất nhộn nhịp. Các thôn đều có đội văn nghệ riêng của mình để biểu diễn.
Đến 21h, các “ông lợn” được đưa đến Đình La Phù để tiến hành làm lễ.
Nghi lễ thường diễn ra suốt đêm ngày 13 tháng Giêng. Đến hôm sau, “lộc” được các thôn mang về chia cho các gia đình.