Hơn 8 tháng hoàn thành ý tưởng
“Chúng tôi mong muốn từ ý tưởng sản phẩm và cách làm của nhóm có thể tiếp tục truyền cảm hứng tới các bạn trẻ quan tâm và có hành động vì môi trường, vì sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, góp sức mình bảo vệ môi trường bằng việc hoàn thiện và đưa ra thị trường sản phẩm băng vệ sinh tự hủy thân thiện với môi trường, với sự hỗ trợ của các chuyên gia”.
Bạn Bùi Tú Uyên, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam
Ba bạn Bùi Tú Uyên (SN 2005, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Lương Anh Khánh Huyền (SN 2005, Trường Concordia International Hanoi) và Trần Quỳnh Anh (SN 2006, Trường International TPHCM) tình cờ quen nhau qua một lớp học thêm trực tuyến. Cả ba cùng quan tâm đến các vấn đề môi trường và mong muốn hành động góp phần bảo vệ trái đất. Cả 3 từng tham gia một cuộc thi đề tài về túi nilon nhưng không đoạt giải.
“Sau khi không đoạt giải, nhóm chuyển hướng từ nghiên cứu sản phẩm thay thế túi nilon sang các sản phẩm liên quan tã, bỉm. Sau một thời gian, nhóm nảy ý tưởng làm một sản phẩm liên quan trực tiếp tới phụ nữ. Tháng 6/2021, ý tưởng làm băng vệ sinh tự hủy ra đời”, Tú Uyên chia sẻ.
Bắt tay thực hiện, các thành viên đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, nguyên vật liệu, tính toán chi phí nhân công sản xuất... Trước khi chọn vỏ thanh long làm nguyên liệu cho sản phẩm, nhóm từng thử nghiệm với một số loại cây, quả khác như vỏ chuối, thân tre.
Theo Tú Uyên, những nguyên liệu khác đòi hỏi kỹ thuật xử lý, quy trình sản xuất phức tạp và giá thành cao nên khó khả thi. Riêng thanh long phù hợp hơn, vỏ có chứa nhiều chất xơ (fiber) và pectin (một loại chất xơ hòa tan được tìm thấy trong hoa quả). Chất xơ có thể dùng trong lớp chính thấm hút và pectin làm màng sinh học bọc lớp ngoài chống tràn. “Nhóm mất hơn 8 tháng để hoàn thành ý tưởng và tham dự cuộc thi The Earth Prize. Việc nghiên cứu, tìm hiểu cách xử lý nguyên liệu tạo ra sản phẩm là công đoạn khó nhất”, Tú Uyên nói.
Trong suốt quá trình thực hiện, các nữ sinh chưa từng gặp mặt trực tiếp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khoảng cách địa lý, lịch học. Nhóm kết nối qua mạng xã hội và trao đổi trực tuyến; đồng thời phân chia công việc thành từng mảng theo thế mạnh của mỗi thành viên và đặt thời hạn để giữ tiến độ. Việc nghiên cứu và khảo sát diễn ra phần lớn qua các nền tảng công nghệ và trực tuyến.
Đưa sản phẩm ra thị trường
Ý tưởng làm băng vệ sinh từ vỏ thanh long của nhóm nữ sinh Việt phù hợp với nội dung cuộc thi The Earth Prize năm 2022 do tổ chức phi chính phủ The Earth Foundation đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) tổ chức. Nhóm đã đăng ký tham gia ngay khi cổng thông tin cuộc thi mở từ tháng 11/2021.
Kết quả, nhóm đã vượt qua hơn 650 đội thi của hơn 500 trường học thuộc 114 quốc gia và vùng lãnh thổ để đoạt giải Nhất. Với chiến thắng này, nhóm đã đạt được mục tiêu nghiên cứu ban đầu là mang vấn đề sức khỏe nữ giới đến gần hơn với mọi người. “Băng vệ sinh thường gây hậu quả cho môi trường, cũng như thiếu sản phẩm xanh thay thế. Nhóm mong muốn khắc phục vấn đề này", Tú Uyên nói.
Các cô gái thế hệ Gen Z quyết định sử dụng toàn bộ số tiền thưởng 100 nghìn USD để hoàn thiện sản phẩm, đóng góp cho các hoạt động giáo dục, bảo vệ môi trường. Giải thưởng đã trở thành bước đà để ba nữ sinh có động lực tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu của mình.
Hiện nhóm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm băng vệ sinh và hướng tới nghiên cứu thêm nhiều loại sản phẩm khác như tã, khăn lau tái sử dụng... từ vỏ thanh long. Mục tiêu của nhóm là khởi nghiệp, sản xuất đưa các sản phẩm ra thị trường.