Doanh nghiệp “vượt khó” làm sản phẩm “Made in Việt Nam”

Sản phẩm và dịch vụ do VNPT Technology cung cấp được ghi nhận tại Lễ Tuyên dương các công trình, sản phẩm dịch vụ tiêu biểu và điển hình tiên tiến giai đoạn 2011 – 2015 của Ðảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương. Ảnh: T.Anh
Sản phẩm và dịch vụ do VNPT Technology cung cấp được ghi nhận tại Lễ Tuyên dương các công trình, sản phẩm dịch vụ tiêu biểu và điển hình tiên tiến giai đoạn 2011 – 2015 của Ðảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương. Ảnh: T.Anh
TP - Sản xuất công nghệ công nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn được Chính phủ chú trọng phát triển trong những năm gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay dè dặt, thiếu tự tin khi đặt chân vào sân chơi mới.

Vật lộn trong khó khăn

Theo số liệu tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp KH-CN năm 2015, do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH-CN) được tổ chức mới đây, tính đến tháng 11/2015, cả nước chỉ có 240 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhưng trong số đó ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghệ công nghiệp vốn nhiều thách thức và rủi ro. Lực lượng mỏng, nguồn vốn đầu tư lớn, đòi hỏi kinh nghiệm nghiên cứu phát triển lâu dài là rào cản cốt yếu khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam e dè đầu tư vào ngành này.

Mặc dù đã có chủ trương, chính sách phát triển của Chính phủ với nhiều biện pháp thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp nội phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp FDI với lợi thế áp đảo về nguồn vốn và công nghệ ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất hạn chế; thị trường đầu ra khó khăn, nhiều sản phẩm đặc thù chỉ sử dụng trong lĩnh vực nhất định, khó quảng bá rộng rãi đến khách hàng và thiếu kinh nghiệm nghiên cứu, dây chuyền sản xuất lạc hậu… cũng là những khó khăn lớn khiến nhiều doanh nghiệp từ chối tham gia vào thị trường mới mẻ này.

Tại Việt Nam, không chỉ với doanh nghiệp nhỏ, các tập đoàn lớn cũng loay hoay tìm giải pháp đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất công nghệ công nghiệp, từng bước chủ động sản xuất phục vụ nhu cầu và tự chủ về công nghệ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các sản phẩm công nghệ Việt Nam của nhiều tập đoàn công nghệ lớn vẫn đang trên đà “thử nghiệm” chứ chưa có nhiều bước phát triển rõ ràng khiến khối doanh nghiệp này vẫn dè dặt trong chiến lược phát triển chung.

Hướng đi mới của người tiên phong

Trải qua quá trình phát triển lâu dài và tái cấu trúc mạnh mẽ, Tập đoàn VNPT là một trong những đơn vị tiên phong xác định sản xuất công nghệ công nghiệp là yếu tố then chốt, nhằm đạt được mục tiêu dịch chuyển từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và CNTT, phục vụ cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và cả khối chính phủ. Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) – đơn vị nòng cốt của VNPT trong lĩnh vực sản xuất công nghệ công nghiệp được giao trọng trách tận dụng mọi nguồn lực hiện có, để phát triển lĩnh vực sản xuất công nghệ công nghiệp giàu tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức này.

“Ở thời điểm hiện tại, VNPT Technology là công ty đầu tiên trong khu vực có khả năng nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm công nghệ công nghiệp, các công ty thiết kế và phát triển sản phẩm khác trong khu vực đều là các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan và Trung Quốc”.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Ban Quản lý và phát triển sản phẩm công nghệ VNPT Technology

Với sự kỳ vọng đó, VNPT Technology tận dụng kinh nghiệm được tích lũy từ 20 năm hoạt động liên doanh với các hãng công nghệ hàng đầu như Alcatel  (Cộng hòa Pháp), Siemens (Liên bang Ðức); tận dụng nguồn nhân lực được tôi luyện qua thực tiễn trong thời kỳ số hóa mạng viễn thông tại Việt Nam để thúc đẩy quá trình triển khai nghiên cứu - phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghệ công nghiệp một cách bài bản, có hệ thống với chất lượng đảm bảo.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chủ động đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường bằng cách đầu tư linh hoạt, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực để nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm cung cấp ra thị trường. Nhiều sản phẩm đã được các kỹ sư của VNPT Technology nghiên cứu, thiết kế, phát triển đưa vào sản xuất hàng loạt như: Modem quang GPON-ONT, Modem ADSL, Smartphone, OTT/IP Set Top Box, Wifi AP, đầu thu DVB-T2… phục vụ nhu cầu cho khách hàng là nhà mạng Viễn thông, doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối.

Chia sẻ hướng đi của VNPT Technology để vượt qua những khó khăn của ngành sản xuất công nghệ công nghiệp nói chung, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Ban Quản lý và phát triển sản phẩm công nghệ cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi là chú trọng vào yếu tố con người - coi đây là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển. VNPT Technology đầu tư mạnh mẽ vào nguồn lực nghiên cứu phát triển, coi đây là chìa khóa để thành công. Ðến nay, VNPT Technology đã sở hữu lực lượng kỹ sư nghiên cứu và phát triển lên tới trên 350 kỹ sư R&D, trong đó có nhiều cán bộ là Tiến sĩ, Thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài và các trường đại học uy tín trong nước. Ở thời điểm hiện tại, VNPT Technology là công ty đầu tiên trong khu vực có khả năng nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm công nghệ công nghiệp, các công ty thiết kế và phát triển sản phẩm khác trong khu vực đều là các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan và Trung Quốc.

Ngoài ra, VNPT Technology cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác công nghệ nguồn như Broadcom, Qualcomm, Intel, Texas Instruments, ST Micro... đội ngũ R&D của công ty thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và tham gia vào quá trình nghiên cứu của các đối tác công nghệ, nhằm tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới nhất để tạo ra các sản phẩm bắt kịp sự phát triển công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường”.

Những quả ngọt đầu tiên

Ðầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tối ưu giá thành, quản lý các rủi ro và kiên trì theo đuổi mục tiêu tự chủ và cập nhật về công nghệ, VNPT Technology từng bước vượt qua những trở ngại và giành những quả ngọt đầu tiên.

Doanh nghiệp “vượt khó” làm sản phẩm “Made in Việt Nam” ảnh 1

Sản phẩm công nghệ của VNPT Technology thu hút sự chú ý tại nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Ảnh: T.A

Ngay từ khi chính thức thành lập năm 2011, VNPT Technology được định hướng nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất thiết bị Viễn thông sử dụng trên hệ thống mạng lưới VNPT và đóng vai trò nòng cốt khối công nghiệp của Tập đoàn VNPT. Trước thách thức mới, VNPT Technology từng bước chứng minh năng lực của mình bằng việc lần lượt cho ra đời nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bắt tay vào nghiên cứu, phát triển từ năm 2011, đến nay năm 2015, VNPT Technology đã bước đầu có những thành tựu đáng ghi nhận.   

Tháng 10/2013, VNPT Technology chính thức cho ra mắt dòng điện thoại thông minh  đầu tiên được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam với quy trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm chuyên nghiệp do chính các kỹ sư người Việt thiết kế, sáng tạo tại nhà máy của VNPT Technology với tên gọi VNPT Vivas Lotus S1. Sau 2 năm, Vivas Lotus liên tục được cải tiến và cho ra đời thêm 03 phiên bản khác lần lượt là Vivas Lotus S2, Vivas Lotus S2 eco, Vivas Lotus S2 Pro và đang dần trở thành nhãn hiệu điện thoại Smartphone Việt Nam được nhiều người tiêu dùng biết tới.

Năm 2015 VNPT Tech cung cấp hơn 900 nghìn sản phẩm ra thị trường trong và ngoài VNPT phục vụ cho việc phát triển dịch vụ Internet băng rộng. Sản phẩm có giá thành cạnh tranh, chất lượng đảm bảo và đặc biệt phù hợp với thực tế triển khai mạng lưới của VNPT do đội ngũ kỹ sư của đơn vị có kinh nghiệm thực tế trên các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho mạng lưới của VNPT và các nhà mạng khác.

Mỗi sản phẩm ra đời, được thị trường chấp nhận giúp đơn vị tự tin hơn để phát triển những thị trường mới và tích cực đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tháng 10/2015 VNPT Technology được lựa chọn là nhà cung cấp đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB T2 cho hơn 12.000 hộ nghèo tại Ðà Nẵng và Quảng Nam cho Quỹ Viễn thông công ích làm chủ đầu tư. Dự án gây tiếng vang lớn khẳng định chất lượng sản phẩm công nghệ do VNPT Technology sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn khi sử dụng rộng rãi trên thực tế trong đề án số hóa truyền hình quốc gia. Năm 2016, VNPT Technology định hướng sẽ cung cấp 100% thiết bị đầu cuối cho VNPT.

Với những bước chuyển mình mạnh mẽ, VNPT Technology đang nỗ lực không ngừng với mục tiêu khẳng định chất lượng của những sản phẩm công nghệ do những kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.