Doanh nghiệp 'kêu cứu' vì gánh nặng phí cảng biển

Đại diện VPSF và các hiệp hội thảo luận lấy ý kiến kiến nghị Thủ tướng đình chỉ thi hành NQ148. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đại diện VPSF và các hiệp hội thảo luận lấy ý kiến kiến nghị Thủ tướng đình chỉ thi hành NQ148. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cùng các hiệp hội doanh nghiệp vừa có tiếp văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 về thu phí cảng biển của Hải Phòng để các Bộ, ngành liên quan và chính địa phương tiến hành đánh giá, xem xét lại toàn bộ các quy định chứa đựng trong đó.

Ngày 13/2, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cùng các hiệp hội doanh nghiệp đã có cuộc họp nhóm lấy ý kiến về quy định thu phí cảng biển của Hải Phòng.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng thư ký VPSF cho biết, ngay sau khi các hiệp hội cùng VPSF gửi kiến nghị lên Thủ tướng lần đầu về việc thu phí cảng biển của Hải Phòng, đơn vị đã được Văn phòng Chính phủ mời tham dự cuộc họp khẩn để trao đổi thông tin và lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.

Sau cuộc họp, nhóm đại diện tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về quy định thu phí của Hải Phòng. Theo VPSF, Nghị quyết 148 của Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng (gọi tắt NQ148) có dấu hiệu ban hành trái pháp luật.

Ngoài ra, NQ148 đã không quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung, kết cấu phí cửa khẩu cảng biển để chứng minh phí đó tuân thủ theo Luật phí và Lệ phí 2015 và cam kết WTO.

Theo VPSF, chủ trương của Chính phủ là đồng hành, hỗ trợ DN nhưng NQ148 đang đi ngược lại. Bởi lẽ, cuối tháng 12/2016, Hải Phòng ban hành NQ148, thông báo triển khai ngày cuối cùng tháng 2 nhưng áp dụng ngay từ 1/1/2017. Điều này đẩy hàng nghìn DN vào thế khó khăn, áp lực lớn vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó, nay DN trở tay không kịp.

Khảo sát nhanh từ các hiệp hội DN và tính toán của các chuyên gia cho thấy, dự báo ngoài phí nộp cho Hải Phòng, DN phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí… chưa kể các chi phí không lượng hóa được do chậm đơn hàng bị phạt hợp đồng, mất uy tín…

“Theo phản ánh của một số DN sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, với lượng xuất khẩu từ 150-400 container (40ft)/tháng/DN thì mỗi DN sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm cho chi phí này, chưa kể các chi phí đi lại và chờ đợi làm thủ tục” -Đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam bức xúc.

Đáng lo ngại hơn, theo VPSF, việc các địa phương như Hải Phòng quy định các loại phí với những bất cập trên sẽ dẫn tới việc nguồn thu địa phương tăng nhưng tổng thu của DN giảm (do phí được hoạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh), dẫn tới thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm. 

Điều này có nghĩa, địa phương thu phí càng cao, ngân sách trung ương càng giảm do giảm nguồn thu từ thuế TNDN. Ví dụ, Hải Phòng thu tầm 1.500 tỉ - 2.500 tỉ đồng tiền phí/năm, nghĩa là DN sẽ giảm số tiền đóng thuế cho nhà nước tầm 20% tổng chi phí đó, tức khoảng 300-500 tỉ đồng.

“Nếu tình trạng trên diễn ra ở mọi địa phương, ngân sách trung ương sẽ thất thu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới chính sách tài khóa quốc gia, làm giảm mạnh sức cạnh tranh của Việt nam trong khu vực và trên quốc tế” – VPSF quan ngại. Việc này không chỉ tác động xấu tới tâm lý của các DN XNK mà còn ảnh hưởng tới đánh giá và xếp hạng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế về các chỉ số thương mại, logistic…

Trên cơ sở đó, VPSF cùng các hiệp hội DN kiến nghị Thủ tướng đình chỉ thi hành NQ148 để các Bộ, ngành liên quan và chính địa phương tiến hành đánh giá, xem xét lại toàn bộ các quy định chứa đựng trong đó. Đồng thời, làm rõ kết cấu phí, mức phí hợp lý mà địa phương được quy định để tính đúng, tính đủ mức phí DN phải nộp. 

Theo NQ148, UBND TP Hải Phòng giao UBND quận Hải An thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng, bắt đầu từ 1/1/2017. Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, loại container 20-40 feet hàng khô có mức thu mới 2,2-4,4 triệu đồng/container; container 20-40 feet hàng lạnh 2,3-4,8 triệu đồng/container; hàng lỏng, rời 50.000 đồng/tấn. 

Đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu, loại container 20-40 feet 500.000 đồng-1 triệu đồng/container; hàng hóa NK, XK, container 20-40 feet 250.000-500.000 đồng/container.

MỚI - NÓNG