Doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thuốc trị COVID-19, cổ phiếu tăng ngay 30%

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sự trở lại của cổ phiếu ngân hàng, sắc xanh bao phủ các nhóm ngành lớn như bất động sản, chứng khoán giúp VN-Index tăng điểm ngay phiên đầu tuần. Giao dịch của nhóm dược phẩm, y tế tiếp tục gây chú ý, đặc biệt là cổ phiếu của doanh nghiệp vừa được cấp phép sản xuất thuốc điều trị COVID-19, tăng hơn 30% chỉ qua 2 phiên. 

Sau khoảng giằng co trong phiên sáng, thị trường khởi sắc trong phiên chiều khi lực cầu tăng mạnh ở nhóm ngân hàng, tập trung ở các mã BID, ACB, VIB… đưa VN-Index có lúc tăng gần 12 điểm. Các mã lớn rổ VN30 như VIC, GVR, VHM, FPT, VRE cũng nới rộng thêm đà tăng cho chỉ số.

Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực bán lại dâng cao, sự phân hoá thể hiện rõ rệt ở rổ VN30, với 15 mã tăng và có tới 11 mã giảm. MSN, GAS, HPG, VJC là những mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.

Các mã ngân hàng CTG, EIB, VIB giảm giá cũng gây thêm áp lực lên thị trường. CTG đóng cửa giảm 0,6%, dù đầu phiên chiều có thời điểm được kéo tăng 0,6%.

Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán ngập sắc xanh, tăng mạnh nhất là các mã nhỏ, vừa trên UPCoM, HNX. SBS tăng 8,1%, HBS tăng 7,1%, APS, TCI, AAS tăng trần 6%. Cổ phiếu đầu ngành như VND tăng 4,2%, lọt nhóm dẫn dắt thị trường. SSI, HCM tăng gần 2%.

Hiện, ngành chứng khoán được cho là còn dư địa tăng trưởng. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 1/2022 là 195,068 tài khoản, cao thứ 3 trong lịch sử và gấp 126% so với cùng kỳ tháng 1/2021, nâng tổng số tài khoản chứng khoán cá nhân trong nước là 4,45 triệu tài khoản, tương đương với 4,5% dân số.

Tính riêng năm 2021, số tài khoản mở mới trong nước đạt 1,5 triệu, gấp 150% so với 1,04 triệu tài khoản mở mới trong giai đoạn 2017 – 2020. Điều này cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán vẫn đang cao và dư địa tăng trưởng của thị trường khi tỷ lệ sở hữu tài khoản chứng khoán vẫn còn ở mức thấp nếu so với trung bình châu Á.

Phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu dầu khí cũng gây chú ý, khi giá dầu tiếp tục tăng, trong bối cảnh ngại căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraina khi Mỹ và châu Âu tuyên bố rằng Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Dù vậy, GAS ngược dòng giảm giá, còn lại PLX, PVS, PVD, PVT, OIL,… chỉ tăng nhẹ, chủ yếu trên dưới 1%.

Sau khi Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị COVID-19 do 3 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cổ phiếu dược phẩm đua nhau tăng giá. Trong 3 doanh nghiệp kể trên, duy nhất Mekorpha (MKP) niêm yết trên UPCoM. Với biên độ dao động tới 15%/phiên, qua 2 phiên tăng trần, MKP tăng giá gần 32%, từ 43.000 đồng/cổ phiếu lên 56.400 đồng/cổ phiếu.

Các mã “họ” dược phẩm như NDC cũng tăng kịch trần. DTP, NDP, AGP, TTD, VIO, CDP, CNC, VMD, DGH, DDN, JVC… tăng mạnh. FRT tăng 5,85% lên 108.500 đồng/cổ phiếu, khi vừa qua là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối thuốc điều trị COVID-19 vừa được cấp phép khẩn cấp kể trên. Đây là phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của FRT.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6 điểm (0,4%) lên 1.510,84 điểm. HNX-Index tăng 5,38 điểm (1,23%) lên 440,99 điểm. UPCoM-Index tăng 0,91 điểm (0,81%) lên 113,64 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng hơn 4%, và đạt 21.104 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trên HoSE, nhưng bán ròng trên HNX. Tính chung toàn thị trường, nhóm này vẫn mua ròng hơn 169 tỷ đồng, tập trung vào KBC, VHM, DXG, VND, HDG… Ở chiều ngược lại, khối ngoại xả mạnh MSN, TNG, CTG, NKG…

MỚI - NÓNG