Chứng khoán tuần qua: Cá nhân tháo chạy bán ròng, tỷ phú 'bỏ túi' 300 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần thanh khoản ảm đạm, cá nhân trong nước tháo chạy bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng. Tài sản của tỷ phú Việt cũng biến động đáng kể tuần qua, trong khi có người mất tiền thì cũng có đại gia "bỏ túi" thêm 300 triệu USD, cổ phiếu doanh nghiệp tăng hơn 12% chỉ trong 1 tuần.

Theo số liệu mới nhất, Việt Nam hiện có 6 đại diện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Forbes thống kê, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) hiện là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 6,4 tỷ USD, đứng thứ 418 toàn cầu. Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát) đứng thứ hai Việt Nam với tài sản 3,1 tỷ USD và đứng thứ 1023 trong danh sách toàn cầu.

Chứng khoán tuần qua: Cá nhân tháo chạy bán ròng, tỷ phú 'bỏ túi' 300 triệu USD ảnh 1

4 người dẫn đầu trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam của Forbes

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (TGĐ VietJet Air) là người giàu thứ ba theo danh sách, với tài sản 3 tỷ USD và đứng thứ 1.052 toàn cầu. Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) giữ vị trí thứ tư với 2,6 tỷ USD, đứng thứ 1.235 toàn cầu.

Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT Masan) đứng thứ năm với 2,1 tỷ USD, đứng thứ 1.491. Ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) đứng thứ sáu, với 1,6 tỷ USD, đứng thứ 1.919 toàn cầu.

Tuần qua, sự biến động đáng chú ý nhất của danh sách tỷ phú Việt Nam liên quan tới giá trị của cổ phiếu VJC, khi mã này tăng mạnh hơn 12% trong tuần. Tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng 300 triệu USD chỉ trong 1 tuần, nhảy vọt 183 bậc trên bảng xếp hạng Forbes.

Diễn biến của VJC đi cùng đà khởi sắc của nhóm dịch vụ hàng không, Đây là nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh trong 2 năm qua. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự phục hồi của nhóm này khi Việt Nam dần mở cửa trở lại với việc đã mở cửa hàng không quốc tế và dự kiến mở cửa du lịch sớm nhất vào 15/3 và không muộn hơn tháng 5/2022.

Theo số liệu từ FiinGroup, tuy dòng tiền vào nhóm tăng nhưng vẫn yếu hơn mức tăng thanh khoản chung của toàn thị trường. Nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm này sẽ là cơ hội để cổ phiếu ngành hàng không tăng điểm.

Tuần qua, MSN cũng giao dịch khởi sắc, tăng hơn 9%, lên 163.300 đồng/cổ phiếu. Qua đó, tài sản của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng tăng thêm 100 tỷ USD, đứng thứ 1.491 toàn cầu (tăng 116 bậc so với tuần trước).

Còn VIC tăng nhẹ 0,61%, đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 82.200 đồng/cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, 2 cổ phiếu HPG, TCB giảm giá trong tuần qua, dù vậy tài sản của 2 chủ tịch không biến động nhiều. Qua 1 tuần, HPG giảm 0,21% xuống 47.050 đồng/cổ phiếu. TCB giảm gần 4%, hiện ở mức 51.600 đồng/cổ phiếu.

Theo số liệu từ FiinGroup, xu hướng bán ròng HPG và VIC vẫn tiếp diễn đến tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị bán ròng lần lượt trong 4 tuần này là 1.135 tỷ đồng và 2.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày thứ 6 VIC đã được mua ròng nhẹ trở lại, chấm dứt chuỗi bán ròng 15 phiên trước đó.

Với tỷ phú Trần Bá Dương, ngoài vai trò là Chủ tịch Thaco, ông còn giữ ghế Chủ tịch CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Tuần qua, HNG tăng giá 2,52%, hiện là 9.750 đồng/cổ phiếu, vốn hoá 10.808 tỷ đồng. Trong kỳ báo cáo gần nhất, HNG đạt doanh thu thuần 892 tỷ đồng sau 9 tháng và lỗ ròng 304 tỷ đồng.

Biến động của HNG không làm ảnh hưởng đến tài sản ròng của ông Dương khi khoản đầu tư này chiếm tỷ trọng không lớn trong danh mục của ông chủ Thaco. Hiện tại, theo ước tính của Forbes, khối tài sản của ông Trần Bá Dương ở mức 1,6 tỷ USD, không thay đổi so với thời điểm tháng 4/2021 khi tạp chí này công bố danh sách tỷ phú thế giới lần gần nhất.

Cá nhân trong nước "tháo chạy" bán ròng 2.346 tỷ đồng

VN-Index đóng cửa tuần qua với 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, có thêm 3,13 điểm tương đương 0,21%, lên 1.504,84 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 21.290 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong vòng 18 tuần, giảm 2,5% so với tuần trước đó và giảm 16,2% so với trung bình 5 tuần.

Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân là bên bán ròng duy nhất đối ứng với toàn bộ các nhóm nhà đầu tư khác. Đây là động thái ngược hoàn toàn với tuần trước đó. Cụ thể, cá nhân trong nước bán ròng 2.364 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 2.110 tỷ đồng, tập trung vào STB, GAS, GMD, VHM, TCB.

Tỉ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm Hàng và dịch vụ công nghiệp, Thực phẩm và đồ uống, Dịch vụ tài chính, giảm vào nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Thép.

Dòng tiền chuyển hướng tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, giảm ở nhóm vốn hóa lớn VN30.

MỚI - NÓNG