Ngày 6/5, tại hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã làm mất cân đối cung cầu thịt lợn.
Giá lợn lợn hơi tăng tháng 8-12/2019 từ 42.000 - 90.000 đồng/kg. Từ tháng 1-3/2020, giá giảm từ 90 nghìn đồng xuống 73.000 đồng/kg lợn hơi tại cửa chuồng.
Từ 1/4, thực hiện cam kết với Chính phủ, 15 DN chăn nuôi lớn đã giảm giá xuống 70.000 đồng/kg lợn thịt tại nơi xuất chuồng.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2020, giá lợn thịt có xu hướng tăng đến 70-80 nghìn đồng/kg lợn hơi. Những ngày gần đây, giá lợn thịt ổn định ở mức cao trên dưới 80.000 đồng/kg.
Lý giải vì sao giá lợn vẫn tăng cao, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngoài vấn đề mất cân đối cung cầu do DTLCP, việc 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn (cam kết giảm giá lợn hơi còn 70.000 đồng/kg từ 1/4) chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Do vậy, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi.
Đáng lưu ý, ông Tiến cho rằng, có một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt. Cùng đó, giá lợn thịt xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian, khiến giá thịt lợn tăng khoảng 43%.
Việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng, chi phí phòng chống dịch cũng cao…đã tác động lớn đến giá lợn hơi.
Ông Tiến cho biết, giá thịt lợn của Trung Quốc hiện tăng quá cao, vẫn có hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.
Theo Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng.
Hiện có 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có DTLCP, có 21 địa phương có đàn lợn bằng 80-dưới 100% trước khi có dịch.
Theo thống kê, chỉ tính 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm và tốc độ tái đàn lợn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 17%.
Tuy nhiên, hiện quá trình tái đàn ở các địa phương rất khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi, các địa phương vẫn lo sợ dịch tái phát nên chưa quyết tâm vào đàn vị sợ hệ lụy.
Trong khi đó, một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người dân để duy trì sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi để tái đàn, tăng đàn.