Từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã tăng hơn 3%, điều đó đồng nghĩa với việc các đồng tiền khác trên thế giới đang bị mất giá 2-3% so với đồng USD. Trong khi đó, áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm nay cũng ở mức độ cao hơn các năm trước.
Thực tế có thể thấy, từ đầu năm đến nay, tiền đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 2% so với USD. Để ổn định thị trường ngoại tệ và kiểm soát linh hoạt tỷ giá, NHNN đã kiên định chính sách tỷ giá trung tâm, từ đó, tạo tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Theo ông Lực, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần quan tâm hơn đến các rủi ro về tỷ giá bằng cách đa dạng hóa các loại tiền tệ để thanh toán, thay vì chỉ có USD. Đồng thời, doanh nghiệp nên phối hợp với ngân hàng để sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đặc biệt là các công cụ phái sinh mà một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đã dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần bám sát thị trường, đa dạng thị trường hơn, bao gồm cả việc đẩy mạnh thị trường trong nước.
Đại diện một nhà nhập khẩu ô tô từ Đức cho rằng, việc NHNN siết chặt hơn và tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ đối với hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
“Công ty chúng tôi chủ yếu mua ngoại tệ. Do đó, ngay từ đầu năm doanh nghiệp đã có kế hoạch xét duyệt hạn mức mua ngoại tệ rõ ràng, ngân hàng đối tác cũng có kế hoạch bán cho chúng tôi ổn định, hợp đồng mua - bán đã được ký kết chặt chẽ từ đầu năm”, vị đại diện này cho hay.