Chao đảo vì tác động của tỷ giá

Ngoại tệ tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Ngoại tệ tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Tỷ giá tăng liên tục từ giữa tháng 7 đến nay đang gây sức ép rất lớn với các doanh nghiệp nhập khẩu trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại mừng. Giá hàng hóa, và các nguyên phụ liệu cho sản xuất và hàng hóa trong nước nhập khẩu dự báo sẽ tăng mạnh…

Lo giá cả biến động

Ông Phạm Ðức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam cho biết, đồng USD tăng giá khiến chi phí nhập khẩu TACN tăng và không còn cách nào khác, nhà máy buộc phải tăng giá bán cám. Theo ông Bình, hiện giá heo cao, tới trên 50.000 đồng/kg, người nuôi có lãi, giá gà cũng tương đối, nên việc nhà máy tăng giá cám chút ít cũng được thị trường chấp nhận.

Tuy nhiên, theo ông Bình, có thể giá cám chưa tăng ngay trên thị trường, bởi các doanh nghiệp (DN) sẽ cân đối với nguồn nguyên liệu tồn kho trước đó nhập về với giá rẻ hơn trước đó. Mặt khác, hiện trên thị trường, một số nguyên liệu TACN như ngô, đậu nành…cũng có xu hướng giảm nên cũng đỡ ảnh hưởng.

Hiện giá ngô nhập khẩu từ các khu vực Mỹ, Argentina, Brazil… khoảng 5.200 đồng/kg, đậu nành cũng hơn 10.000 đồng/kg.
“Các DN mở LC để nhập khẩu, họ cũng tính toán cộng thêm 1-2% trước đó, nên khi giá USD lên cũng không sốc lắm” - ông Bình nói.

Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch Công ty CP Vinacam- DN nhập khẩu phân bón lớn cũng cho rằng, tỷ giá lên cao, đương nhiên nhập khẩu sẽ bất lợi. Lúc này giá phân bón thế giới đang cao, Việt Nam lại áp dụng thuế phòng vệ với DAP, phụ thu thêm 6% với urê, DAP… Do vậy, với những mặt hàng trong nước sản xuất được như DAP, urê tới đây có thể lượng nhập khẩu sẽ giảm, còn với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được là Kali, SA vẫn phải nhập khẩu, và người tiêu dùng sẽ phải chịu với mức giá cao hơn.

Cùng nhận định trên, bà Nguyễn Thị Tiêu, giám đốc một đơn vị chuyên nhập khẩu phân bón khác là Cty CP XNK Hà Anh cũng cho rằng, tỷ giá USD cao sẽ đẩy giá phân bón lên theo dạng “nước nổi, thuyền nổi”. “Với tác động hiện nay, giá phân bón trên thị trường có thể tăng khoảng 200 đồng/kg, còn chưa biết thời gian tới sẽ tác động ra sao”, bà Tiêu nói.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Ðiều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, cùng với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, việc tỷ giá biến động cũng ảnh hưởng đến hoạt động và chi phí đầu vào của nhiều đơn vị trong ngành. Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, giá sợi tháng vừa rồi giảm trung bình 15-20 cent. Tương đương mức giảm 3.500-4.500 đồng/tấn.

Một mối lo khác cùng với tỷ giá biến động, theo lãnh đạo Vinatex, hiện trong gói áp thuế 50 tỷ USD đầu tiên của Mỹ đến với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ không có mặt hàng dệt may. Gói trừng phạt 200 tỷ USD dự kiến sẽ áp dụng cuối tháng 8 này thì có hàng dệt may nhưng không phải tất cả các mặt hàng. Với tình hình này, Trung Quốc sẽ tìm các bạn hàng mới, giảm giá thành sản phẩm để bù đắp việc giảm 10% doanh thu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt thuế và sẽ khiến cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Phía Mỹ cũng vậy. “Nếu gói trừng phạt 200 tỷ USD được Mỹ thực hiện trong tháng 8 thì năm 2019 xuất khẩu của tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nói.

Nặng gánh trả nợ nước ngoài

Cùng với việc giá USD liên tục tăng từ giữa tháng 7 đến nay và tỷ giá trung tâm đã tăng xấp xỉ 1,1% trong khi giá USD của các ngân hàng thương mại tăng tới 2,6% so với đầu năm, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng tăng lên tương đối. Cụ thể, nếu tính theo mức tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam được quy đổi lên tới 109,34 tỷ USD tính đến 31/12/2017 (số liệu được Chính phủ gửi Quốc hội mới đây về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017, kế hoạch năm 2018), tổng nợ nước ngoài đã tăng thêm khoảng hơn 1,3 tỷ USD, tương ứng mức tăng hơn 26 nghìn tỷ đồng tiền nợ.

Số tiền nợ tăng thêm vì biến động tỷ giá này nếu được phân bổ đầy đủ trong năm tài chính 2018, ước tính sẽ làm thay đổi đáng kể hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Với ngành công thương, ngoài con số âm 33,41 tỷ đồng tổng số vốn chủ sở hữu của các dự án, việc tỷ giá biến động mạnh cũng khiến khoản nợ nước ngoài của 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể trong tổng nợ phải trả đã lên đến hơn là 58,5 nghìn tỷ đồng, có tới 47,4 nghìn tỷ đồng là vốn vay trong nước và vay bảo lãnh nước ngoài. Riêng khoản vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ tại 3 dự án thua lỗ của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (84,83 triệu USD); Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (250 triệu USD) và Dự án nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam (67,017 triệu euro) nếu quy đổi sang VND cũng lên tới 6,6 nghìn tỷ đồng. Với việc tỷ giá tăng lên trong vài tháng qua cũng khiến ba dự án này phải “gánh” thêm khoản nợ lên tới hơn 170 tỷ đồng. Còn tính chung cả 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả, số tiền chênh lệch do tỷ giá tăng đã khiến các dự án phải mất thêm hơn 300 tỷ đồng nợ phải gánh. 

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều dự báo cho thấy trong 6 tháng cuối năm 2018, tỷ giá sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Việc tỷ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không mấy khả quan cho nền kinh tế, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sử dụng đồng USD tăng cao.

Ngày 3/8, tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới khi được cơ quan điều hành tăng 10 đồng so lên mức 22.676 đồng. Các ngân hàng cũng tăng giá bán USD từ 20-30 đồng.

Tại thị trường tự do, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức 23.500 đồng ở chiều mua vào và 23.520 đồng ở chiều bán ra. Ðây là những mức giá cao nhất từ trước đến nay.         

Thục Quyên

MỚI - NÓNG