Tỷ giá USD tăng khiến doanh nghiệp 'người mừng, kẻ lo'

Tỷ giá USD/VND tăng DN xuất khẩu hưởng lợi trong khi nhập khẩu ròng lại lo.
Tỷ giá USD/VND tăng DN xuất khẩu hưởng lợi trong khi nhập khẩu ròng lại lo.
TP - Tháng 6 và tháng 7/2018 đã đánh dấu chuỗi biến động mạnh của thị trường ngoại hối khi tỷ giá USD/VND bật tăng thêm 150 đồng bứt khỏi nền giá duy trì hơn một năm qua. Giá USD tăng dẫn đến những tác động trái chiều trong hoạt động của doanh nghiệp trong nước, khiến người mừng kẻ lo.

Chấm dứt thời kỳ đi ngang

Giá USD tiếp tục tăng thêm 100đ trong 2 tuần đầu tháng 7, tương đương mức tăng 1.1% chỉ trong vòng 1 tháng và giao dịch ở mức 23.010/23.080 VND/USD trên thị trường ngân hàng. Tỷ giá tự do cũng chịu áp lực và tăng mạnh 360đ lên mức 23.180/23.230 VND/USD, đồng thời chênh lệch giá mua bán tăng từ 20đ lên 50đ.

Theo nhóm phân tích công  ty chứng khoán SSI, sức ép lên tỷ giá trong tháng 6 đến chủ yếu từ yếu tố bên ngoài kết hợp với tâm lý bên trong. Hàng loạt các đồng tiền trên thế giới đã mất giá nhanh trong tháng 6 do Mỹ chính thức áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang. Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, đồng CNY của Trung Quốc đã mất giá -4.5%, THB của Thái Lan mất giá -3.8% và đồng IDR của Indonesia mất giá -3.4%. Việc các đồng tiền mất giá tạo ra tâm lý đồng VND cũng sẽ phải mất giá khiến tỷ giá tăng.

Tuy nhiên,  tại Việt Nam thực tế cho thấy tình trạng mất cân đối cung cầu chưa lớn để đẩy tỷ giá tăng mạnh. Xuất siêu đã trở lại trong tháng 6 với giá trị 800 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất siêu từ đầu năm lên 3.74 tỷ USD hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Cán cân tổng thể đạt thặng dư 9.577 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh so với 2.5 tỷ USD cùng kỳ năm 2017.

Ngoài yếu tố tâm lý kể trên, tỷ giá tăng cũng xuất phát từ biến động trong giao dịch liên ngân hàng. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 1.7% lên sát 2% ở kỳ hạn qua đêm, trong khi lãi suất VND giảm mạnh nới rộng chênh lệch lãi suất USD-VND từ 0.2% lên 1.2%. Ðộng thái hút thanh khoản VND bằng tín phiếu của NHNN trong thời gian qua phần nào cũng giúp thu hẹp nguồn cung nội tệ, từ đó hỗ trợ tỷ giá.

Nhóm phân tích SSI cho rằng, với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, xấp xỉ 65 tỷ USD, tương đương 15 tuần nhập khẩu, NHNN đã chủ động phát tín hiệu sẽ can thiệp hỗ trợ thị trường để hỗ trợ tỷ giá. Thực tế, NHNN đã giảm mạnh tỷ giá bán ra USD từ 23.294đ xuống 23.050đ vào ngày 3/7.

DN kẻ hưởng lợi, người lo

Trong bản tin đặc biệt về tỷ giá tuần qua, công ty chứng khoán VNDIRECT đã chỉ ra: những DN  xuất khẩu ròng đồng thời không có hoặc có nợ vay bằng đồng USD sẽ hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND, ví dụ những DN trong ngành thủy sản, dệt may và cao su. Cụ thể, tới ngành thủy sản, những DN có doanh thu về xuất khẩu, do đó sẽ hưởng lợi đà tăng của tỷ giá USD/VND bất chấp một số doanh nghiệp vay ngoại tệ tương đối lớn.

Tương tự, các DN dệt may, đà tăng của tỷ giá sẽ có tác động hai chiều đến kết quả kinh doanh. Các DN dệt may phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về  để gia công. Do đó, tỷ giá USD/VND sẽ làm tăng đội giá sản xuất của DN.  Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có những DN dệt may xuất khẩu lớn, có nguồn thu ổn định. Do đó, các sự biến động của tỷ giá sẽ làm  thay đổi kết quả kinh doanh của các DN dệt may, những DN có nguồn thu ngoại tệ ổn định.

Ngoài ra, những DN hưởng lợi khác có thể kể đến như DN gia công phần mềm, DN cao su tự nhiên xuất khẩu ròng và thường rót vay nợ bằng USD, do đó sẽ  hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá. Hay những DN bất động sản khu công nghiệp có lượng khách hàng nước ngoài lớn, (chiếm từ 50-80% tổng số khách hàng và có giá cho thuê đất được tính trên USD.

Cũng theo VNDIRECT, những DN nhập khẩu ròng sẽ phải đối mặt với đà tăng của nguyên liệu đầu vào và kéo theo sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận khi tỷ giá USD/VND biến động tăng như sữa (VNM), nhựa (NTP. BMP). Bởi những DN trên có đặc điểm chung là phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như VNM nhập khẩu sữa bột nguyên liệu, BMP và NTP nhập khẩu nhựa… 

Ðặc biệt, VNDIRECT khẳng định những DN có vay nợ bằng đồng USD lớn trong khi không có hoặc có nguồn thu ổn định bằng USD sẽ gặp khó khăn như ngành điện, thép, dầu khí, thực phẩm, phân bón, vận tải biển. Theo tính toán, rủi ro khi tỷ giá đồng USD/VND biến động sẽ làm tăng chi phí tài chính. Tuy nhiên, kết luận chung, các chuyên gia VNDIRECT cũng khẳng định đà tăng của tỷ giá USD/VND sẽ không có tác động lớn đến bức tranh chung về lợi nhuận của các DN niêm yết.

Lập luận về việc cần giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu, theo giới phân tích,  cần có một cái nhìn dài và tổng thể hơn. Thứ nhất, các đồng tiền trong khu vực dù mất giá nhanh hơn VND trong 1 tháng qua nhưng lại lên giá khá nhiều so với VND trong khoảng thời gian 1 năm. Ðiều này có nghĩa xuất khẩu Việt nam đã được hưởng lợi trong một thời gian dài. Thứ 2, lượng vay nợ ngoại tệ của Việt nam là rất lớn nên cái lợi từ xuất khẩu cần phải cân đối với cái hại của áp lực trả nợ nước ngoài.
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.