Ngày 10/11, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có báo cáo tổng hợp nội dung cuộc họp giữa lãnh đạo Chính phủ và các doanh nghiệp hôm 8/11, trong đó có các giải pháp cần triển khai ngay trong tháng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức cùng lúc hai cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản vào sáng 8/11 tại TPHCM và Hà Nội. Cuộc họp tại TPHCM do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, HoREA và 19 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản của TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản là pháp lý, chủ yếu do một số quy định pháp luật không đồng bộ. |
Trong khi đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ở Hà Nội với sự tham gia của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và 15 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.
Khó khăn pháp lý chiếm tới 70%
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu cho biết, các doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xem xét nhiều chiều để đánh giá chính xác các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, đồng thời xác định các nguyên nhân chủ yếu và đề xuất giải pháp cấp bách.
Trong đó, vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản là pháp lý, chủ yếu do một số quy định pháp luật không đồng bộ. Tuy vậy, để giải quyết vấn đề này cần có thời gian, bởi giải pháp có tính quyết định nhất là sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan được Nghị quyết 18 đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2023.
Do đó trong khi chờ các luật sửa đổi có hiệu lực, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành ngay trong tháng 11 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Hiện tại, thời gian thực hiện thủ tục hành chính với các dự án hiện kéo dài khoảng 3-5 năm, thậm chí doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư. “Lý do là một số quy định rắc rối, phức tạp, thiếu liên thông, nhưng cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định”, ông Châu nói.
Có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định khiến nhiều dự án "trùm mền". |
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng đi đôi với xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ thì cũng cần xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng xem xét thành lập ban hoặc tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình. Đây sẽ là tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.
Chủ trương là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và thực hiện thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực, để các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính và dự án được tiếp tục triển khai.
Đồng thời, cần cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội khóa 14 cho phép chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất nhằm tạo điều kiện tái khởi động các dự án “trùm mền”.
Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản đã tạm nộp tiền sử dụng đất hoặc đang được rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung. Khi đó, doanh nghiệp có thể hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, còn người mua nhà cũng sớm được cấp sổ hồng.
Đồng thời, UBND các tỉnh thành cần khẩn trương ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập đối với các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.
Các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản đã tạm nộp tiền sử dụng đất. |
Về nguồn vốn, các doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng thêm khoảng từ 1%, tương ứng khoảng 100.000 tỷ đồng. Khi đó, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín, năng lực, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.
Các đơn vị đồng thời đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán hoặc các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại. Các nhà đầu tư trái phiếu có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
“Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương tổng hợp ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong 2 cuộc họp để báo cáo ngay với Thủ tướng xem xét đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn để phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, an toàn và bền vững”, ông Châu nói.