Đoàn sinh viên Hutech bất ngờ với quy trình xử lý rác tại Công ty VWS

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/11, Đoàn sinh viên Viện Khoa học ứng dụng thuộc trường Đại học Hutech TPHCM đến tham quan thực tế tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS.
Đoàn sinh viên Hutech bất ngờ với quy trình xử lý rác tại Công ty VWS ảnh 1

Mục đích chuyến tham quan nhằm giúp sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường có thể vận dụng những kiến thức thực tế vào học tập và nghiên cứu trong môn học “Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại” của bộ môn Môi trường.

Chào mừng đoàn sinh viên đến tham quan, ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành của Công ty VWS, chủ đầu tư Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đã chia sẻ về quá trình đầu tư, vận hành của dự án. Đồng thời, ông Kevin Moore cũng thẳng thắn trả lời những câu hỏi của các thành viên khi đến tham quan, tìm hiểu.

Đoàn sinh viên Hutech bất ngờ với quy trình xử lý rác tại Công ty VWS ảnh 2

Các sinh viên đều rất quan tâm và đặt câu hỏi về chất lượng nguồn rác thải của TPHCM, rác đã được phân loại chưa trước khi đưa vào bãi chôn lấp, số lượng rác tiếp nhận mỗi ngày, thời gian tiếp nhận và đóng cửa nhận rác như thế nào…

Trao đổi cùng sinh viên, ông Kevin Moore đã giới thiệu về quá trình thành lập và các quy trình xử lý chất thải tại Khu liên hợp như nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy sản xuất phân compost, nhà máy tái chế …

Theo đó, Công ty VWS mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý tương đương 70% tổng lượng rác của toàn thành phố. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của Công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…

Đoàn sinh viên Hutech bất ngờ với quy trình xử lý rác tại Công ty VWS ảnh 3

Hiện, công ty đang có dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, giảm thiểu việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh hiện hữu, theo đúng với định hướng phát triển của TPHCM đang được VWS trình hồ sơ và chờ UBND TPHCM phê duyệt. Theo đó, công ty đã lựa chọn được công nghệ phù hợp với đặc thù và thành phần rác tại TPHCM, đó là công nghệ Nhật Bản. Công suất của nhà máy đốt rác phát điện dự kiến xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đây là số lượng rác còn lại sau khi đã phân loại để tái chế, làm phân hữu cơ.

Bên cạnh đó, Công ty VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại khu chôn lấp đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi.

Sau chuyến tham quan thực tế, bạn Lê Quang Huy (sinh viên năm tư) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được tham quan bãi rác có quy mô lớn như vậy. Trước đó em nghĩ rằng bãi rác có nhiều mùi hôi nhưng khi đi thực tế thì không như mình nghĩ. Bãi rác rất thoáng mát, không nhiều mùi hôi và đặc biệt rất nhiều công nghệ hiện đại được Công ty ứng dụng. Qua buổi đi thực tế, em biết rằng từ rác có thể cung cấp thêm nhiều nguồn năng lượng khác như điện. Buổi đi thực tế hôm nay giúp chúng em hiểu thêm về chất thải rắn và chất thải nguy hại, giúp chúng em hoàn thành đồ án tốt nghiệp sắp tới”.

Nhiều năm qua, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thuộc Công ty VWS là địa điểm thường xuyên được các đoàn học sinh, sinh viên, thực tập sinh… các trường học, đại học trong nước và quốc tế đến tham quan thực tế, tìm hiểu mô hình xử lý rác để ứng dụng vào chương trình học, thực hành.

MỚI - NÓNG