Đồ chơi nội địa: 'Tò he' giữa 'những gã khổng lồ'

Đồ chơi Việt sẽ tìm ra hướng phát triển
Đồ chơi Việt sẽ tìm ra hướng phát triển
TP - Đứng cạnh gã khổng lồ Trung Quốc, ngành công nghiệp (CN) đồ chơi Việt Nam như những chú tò he đang phải luồn lách, tìm ra những lối đi mới, giữa bao nhiêu vật cản trên đường...
 Đồ chơi Việt sẽ tìm ra hướng phát triển
Đồ chơi Việt sẽ tìm ra hướng phát triển . Ảnh: Hồng Vĩnh

Gã khổng lồ đang áp đảo

Trong năm 2009, tổng giá trị xuất khẩu đồ chơi của thế giới đạt 55 tỷ USD, thì Trung Quốc chiếm 75 - 80%; ngay ở Việt Nam, đồ chơi Trung Quốc chiếm khoảng 90% - ông Lưu Văn Quảng, TGĐ Cty Đồ chơi Veesano cho biết.

Nguyên nhân của điều này, theo nhiều chủ cửa hàng bán đồ chơi, là vì sản phẩm của nước bạn có mẫu mã phong phú và giá cả hợp túi tiền người dân hơn. "Chúng tôi thường kinh doanh đồ chơi Trung Quốc vì bán chạy" - chủ cửa hàng ở 11 Hàng Mã, Hà Nội giải thích. Ở các phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược... người ta bày bán nhan nhản máy bay, ô tô, búp bê, kiếm...làm bằng nhựa, có xuất xứ Trung Quốc.

"Đồ chơi truyền thống Việt Nam cũng có chỗ đứng, với đèn ông sao, mặt nạ..." nhưng chỉ mang tính thời vụ, nhất là vào dịp Trung thu này mới bán chạy thôi" - chủ cửa hàng ở 6B, Hàng Mã nhận xét.

Cả trên mặt trận đồ chơi trong trường học, cũng có đến 70% nhập khẩu, phần lớn là đồ Trung Quốc - TS Lê Hoàng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Trang thiết bị giáo dục cho hay. Theo ông Hào, ngay cả khi sản phẩm của chúng ta đảm bảo an toàn, đồ chơi Trung Quốc vẫn nhỉnh hơn về những sản phẩm mang tính di chuyển (ô tô, máy bay...), nên dễ hấp dẫn trẻ em.

Cửa ra?

"Kể cả chúng ta đang bị người khổng lồ áp đảo, ngành CN đồ chơi hiện nay vẫn là mảnh đất màu mỡ, vì các gia đình Việt ngày càng ít con hơn, sẵn sàng chi tiền để nuôi dạy, trong đó có việc mua đồ chơi. Với trẻ dưới 5 tuổi, đồ chơi chính là sách giáo khoa của các cháu" - ông Hảo phân tích.

Với thị trường nội địa rộng lớn, Trung Quốc dễ mở rộng sản xuất, hạ giá thành, nên sản phẩm Việt Nam muốn cạnh tranh được phải khác biệt, tận dụng lợi thế của mình. Nhất là khi thế giới dần có xu hướng chán sản phẩm được sản xuất CN, chuyển sang thích sản phẩm gần với thiên nhiên, đồ chơi tinh xảo, làm bằng tay của chúng ta sẽ có cửa ra - TGĐ Cty Đồ chơi Veesano nhận định. Vì thế, Cty này đã có xưởng đồ chơi làm bằng gỗ, tạo ra những sản phẩm an toàn, kích thích sáng tạo của trẻ, và có chỗ đứng trên thị trường.

Một lĩnh vực khác đang được các Cty Việt Nam hướng đến, là những sản phẩm công nghệ cao như robot, đĩa bay..."Đã xuất khẩu đến các nước như Nhật, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ... và đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu" - bà Trương Thị Tuyết Mai, Trợ lý TGĐ Cty Robot Tosy, nói về sản phẩm của Cty mình. Tuy nhiên, bà Mai cũng cho biết, nguồn lực của Cty mới chỉ đủ để chuyên sâu làm đĩa bay, chứ chưa mở rộng ra nhiều loại đồ chơi khác.

Nhiều vật cản

Có hơn 70 doanh nghiệp (DN) thiết bị giáo dục, cộng với hàng trăm Cty đồ chơi khác, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có Hiệp hội DN đồ chơi Việt Nam, để làm nhạc trưởng, chỉ huy và tiếp sức cho ngành công nghiệp này. Vì thế, các DN vẫn hoạt động manh mún, thiếu liên kết.

"Ở Trung Quốc, nếu một Cty không cung ứng sản phẩm được cho khách hàng, họ sẵn sàng giới thiệu Cty khác. Còn ở Việt Nam rất ít có chuyện đó" - ông Quảng nhận xét.

Một vật cản khác, theo GĐ Cty Thiết bị GD và Đồ chơi Việt Nam, ông Hà Thanh Ngọc, là chúng ta chưa có viện nghiên cứu cho ngành CN này. "Ngay việc tính độ dốc của cầu trượt là bao nhiêu độ, để an toàn cho trẻ, thì ở Việt Nam, không nơi nào nghiên cứu cho chúng tôi biết" - ông Ngọc cho hay.

Bởi thế, nhiều DN vẫn phải thừa nhận, phải nhái theo mẫu mã sản phẩm nước ngoài. Nhiều Cty có khi chỉ nhập khẩu, rồi phân phối theo kiểu ăn xổi, không có chiến lược dài hơi - ông Quảng nhận xét.

Ngay sản phẩm do Việt Nam thiết kế là chiếc đĩa bay Tosy, vẫn gặp nhiều khó khăn với các nguyên liệu đầu vào. Theo bà Mai, Cty Tosy phải nhập nhiều nguyên liệu, máy làm khuôn... mới có được sản phẩm hoàn chỉnh. "Chúng ta đang thiếu CN hỗ trợ" - vị trợ lý TGĐ này cho biết.

Bài toán phát triển CN hỗ trợ vẫn là câu chuyện dài tập từ lâu nay ở Việt Nam. Một nguyên nhân sâu xa là chúng ta chỉ quan tâm đến công nghiệp khai thác, lắp ráp... chứ không chú trọng sản xuất linh kiện, định hướng lâu dài - TS Chí Bình, GĐ TT Phát triển DN Công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương, nhận định.

Theo TS Bình, muốn CN hỗ trợ phát triển, kéo theo CN đồ chơi đi lên, cần bắt buộc các DN phải nội địa hóa 30%, để tạo điều kiện phát triển các nhà sản xuất trong nước. Lúc đó, những chú tò he của Việt Nam sẽ có cơ may sánh vai những gã khổng lồ?

2.200 tỷ đồng mua đồ chơi

Chính phủ đã phê duyệt Đề án GD mầm non giai đoạn 2010 - 2015, trong đó cấp 2.200 tỷ đồng để mua sắm đồ chơi cho trẻ mẫu giáo, nên đây là một cơ hội để ngành CN đồ chơi Việt Nam phát triển - TS Lê Hoàng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị GD cho biết. 

MỚI - NÓNG
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
TPO - Đề cập tới nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay: “Lâu nay họp lên họp xuống, nhưng công trình vẫn chờ cát. Sau lần họp lần này cần lên được kế hoạch cụ thể, vật liệu không chỉ đáp ứng các công trình quốc gia, còn những công trình liên vùng”.