Đỗ Bích Thúy: 'Tôi viết văn vì say mê'

TP - Đỗ Bích Thúy là cái tên quen thuộc trên văn đàn với hàng chục đầu sách khai thác sâu đề tài miền núi. Chị viết đa dạng từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thiếu nhi… cũng được bạn đọc yêu thích ở mảng tản văn. Qua ''Than đỏ dưới tro tàn'', cuốn tản văn thứ 5 chị vừa phát hành giới hạn 1.000 bản, bạn đọc nào tò mò về con người, đời tư tác giả hẳn sẽ được thỏa mãn ít nhiều…

Thúy nghĩ sao về việc tản văn được mùa và được rất lâu? Là bạn đọc thực sự quan tâm đến thể loại này hay do họ quan tâm, yêu mến người viết ra nó?

Dùng hai chữ “được mùa” tôi nghĩ hơi lạc quan quá. Tản văn của tôi có người đọc, đôi khi có chuyện ai đó đọc một cuốn đi tìm những cuốn còn lại. Như thế cũng vui rồi. Tôi không nghĩ bạn đọc vì yêu mến một tác giả nào đó mà tìm mua sách đâu. Nếu hãn hữu có trường hợp đó cũng chỉ mua một lần là cùng. Tôi cho rằng tản văn có sức hấp dẫn riêng của nó.

Đỗ Bích Thúy: 'Tôi viết văn vì say mê' ảnh 1

Đỗ Bích Thúy ở Hà Giang Ảnh: NVCC

- Đây cũng là một dấu hiệu từ phía độc giả cho thấy sự ngại đọc những thứ quy mô hơn, thách thức hơn?

- Tôi không nghĩ thế, vì bằng chứng là những thứ quy mô thách thức hơn như anh nói, ví dụ như tiểu thuyết, truyện ngắn in ra vẫn bán tốt mà. Miễn là hay thôi.

- Với nhà văn, tản văn đem lại gì ngoài việc làm mất thời gian đáng để dành cho những dự án lớn hơn?

- Với tôi tản văn không phải một dự án nhỏ. Trung bình mỗi tháng tôi chỉ viết được một tản văn thôi. Tôi cần phải đi, phải nạp thêm dữ liệu và cảm xúc, phải xới xáo bản thân lên, rồi lúc ngồi viết cũng đủ mọi cung bậc buồn vui... Mất sức lắm. Thế nên không thể nói là đáng hay không được.

- Dự án lớn kế tiếp của Đỗ Bích Thúy?

- Tôi đang viết vài thứ. Tôi ít khi chỉ làm một việc mà song song làm vài việc một lúc. Nhưng tôi có ý định in cuốn tiếp theo là một cuốn tiểu thuyết.

Kịch bản “Chúa đất” vừa giành giải thưởng tại LHP Quốc tế Hà Nội. Có vẻ như điện ảnh thường là động lực mạnh khiến các nhà văn tuôn trào cảm hứng? (Bằng chứng là tác phẩm được hoàn thành rất nhanh).

Tôi không rõ anh có nhận định này từ đâu. Tôi thì việc gì ra việc nấy. Kịch bản hay tiểu thuyết là hai thể loại mà tôi phải làm việc với lối tư duy và phong cách khác nhau. Còn tác phẩm hoàn thành nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều yếu tố lắm.

- Khi viết một tác phẩm để dựng phim, nhà văn có thường phải kiềm chế sự bay bổng, sáng tạo vì lo… đạo diễn sẽ không hiện thực hóa được nó? Cụ thể với “Chúa đất”, Thúy cảm thấy chi tiết nào sẽ thách thức đạo diễn nhất?

- Tôi không phải là người viết kịch bản chuyên nghiệp, kịch bản phim luôn là một thử thách với tôi. Tôi cứ làm thôi, cố gắng hình dung câu chuyện khi nó được thể hiện bằng hình ảnh. Còn việc đạo diễn sản xuất thế nào là việc của đạo diễn chứ. Trong Chúa đất, tôi nghĩ khó nhất là xây dựng hình ảnh con chim cắt, con chim đã điên cuồng tìm cách cứu chủ trong đám cháy.

- Nhà văn Trung Trung Đỉnh nói đại ý tại buổi ra mắt sách rằng, những người từ tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp phải rất chật vật, khổ sở... Thúy có chia sẻ gì về nhận định này?

Đỗ Bích Thúy: 'Tôi viết văn vì say mê' ảnh 2

Ký tặng bạn đọc Hà Nội Ảnh: NVCC

- Tôi thấy đúng. Đó là khó khăn chung của những người tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tay trắng, không có sự giúp đỡ của gia đình, không có bạn bè, không có các mối quan hệ thân tình...

Tuy nhiên, với văn chương nói chung hay với tôi nói riêng cũng có cái thuận lợi đấy. Ví dụ như trong khi các đồng nghiệp cùng thế hệ 7X được sinh ra lớn lên ở Hà Nội có thể viết rất hay về Hà Nội, tôi có một đề tài khác để viết, gần như một mình một đường, đó là dân tộc thiểu số và miền núi. Tôi tận dụng được lợi thế từ môi trường làm việc và khai thác đề tài riêng. Cái sự riêng, khác này là lợi thế rất lớn rồi. Tôi có khả năng thích nghi tốt, nên tôi chỉ thấy chật vật thời gian đầu thôi.

- Nhưng nhiều khả năng nếu ở lại miền núi để lập nghiệp người ta sẽ còn thấy “khổ” hơn?

- Bởi vì không ở lại nên tôi cũng không dám chắc có “khổ” hơn hay không. Có điều, tôi nghĩ rằng nếu ở lại miền núi chưa chắc tôi đã viết được nhiều như thế, đắm đuối như thế về miền núi. Đơn giản như là, khi ở bên cạnh người bạn yêu bạn sẽ không thấy nhớ anh ấy/cô ấy nữa. 20 năm qua tôi luôn viết trong nỗi nhớ miền núi.

- Vì sao lại chết mê chết mệt miền núi đến thế? Nếu sinh ra ở nơi khác, Thúy cũng sẽ gắn bó và có những trang viết gan ruột về nơi đó thôi?

- À tất nhiên là nếu sinh ra ở nơi khác, lại lớn lên ở nơi khác nữa tôi có muốn mê mệt miền núi suốt mấy chục năm viết lách cũng khó lắm.

- Thúy thấy mình thực sự sống được bằng nghề viết ra những tưởng tượng - tức viết văn? Có bí quyết gì trong việc này có thể chia sẻ?

- Tôi không sống được bằng nghề viết văn. Thật thà là vậy. Tôi viết văn vì vui, vì say mê thôi. Để dễ hình dung thế này, một năm có 12 tháng, tôi chỉ dành ra nhiều nhất 2 tháng để viết văn, tức là làm cái việc tôi thích nhất thôi. Còn 10 tháng còn lại tôi làm những việc khác để nuôi con.

- Một thông tin khá bất ngờ, vậy Thúy có thể tiết lộ công việc đã lấy của mình hẳn 10 tháng trong năm? Và lý do từ bỏ một vị trí tốt và cũng rất phù hợp ở một tạp chí văn chương uy tín?

- Công việc lấy đi 10 tháng còn lại: Những chuyến đi, viết báo, viết kịch bản phim, kịch bản sự kiện, biên tập sách... Từ bỏ vị trí thì có vài lý do: 10 năm làm Phó Tổng biên tập tôi thấy đủ rồi. Cứ ngồi mãi một vị trí, làm mãi một công việc bản thân cũng ù ì ra, sức sáng tạo kém đi, lùi ra để người khác làm tốt hơn. Tôi muốn làm nhiều việc khác mà do ngồi một chỗ, thời gian bị băm vụn không làm được. Ví dụ như đi những chuyến đi thực tế dài ngày, ví dụ cắm đầu vào đâu đó ngồi viết mà không bị ai làm phiền...

“Tôi luôn tin rằng những điều tuyệt vời nhất chưa xảy ra đâu. Chúng đang chờ ta đâu đó với một niềm tha thiết tuyệt vời. Một lúc nào đó, ngày mai, ngày kia… điều kỳ diệu nào đó sẽ xuất hiện kiểu như là một bàn tay ấm nóng bất ngờ chìa ra cho ta nắm lấy vào lúc mỏi mệt quá.

Đó là lý do để mỗi ngày đi qua tôi có thể ngoái lại mà không phải muộn phiền. Dường như tôi đã sống hết những gì mình có, giống như cây mận nhất định phải nở ra bằng sạch cho đến cái nụ cuối cùng để rồi mùa sau lại ra hoa đậu quả. Tại sao lại phải để lại một chút gì khi mà những tháng ngày sau này còn thênh thang để sống”- trích tản văn Bông mận nở trên cành mận của Đỗ Bích Thúy.

- Việc không sống được bằng tác phẩm và không thể dành toàn thời gian cho sáng tác theo chị ảnh hưởng thế nào đến tác giả, tác phẩm và nền văn học nói chung?

- Chịu (cười). Bởi vì tôi cũng không hình dung được giả sử có ai đó thay mình lo toan việc kiếm sống để mình có 12/12 tháng chỉ viết văn liệu tôi có viết hay hơn không. Tôi thấy đôi khi việc bị dồn ép về thời gian lại khiến mình làm việc hiệu quả hơn. Tất nhiên cũng không có nghĩa thênh thang thời gian mình làm kém đi. Tóm lại, vì điều đó chưa bao giờ có thực, không chỉ ở Việt Nam, nên tôi không thể nào suy đoán được sức ảnh hưởng của nó.

- Trong một tản văn nào đó, Thúy viết cũng từng có những ước mơ này kia không thành. Vậy ước mơ của Thúy là gì nếu không phải là một nhà văn thành công được bạn đọc yêu mến?

- Trở thành nhà văn là ước mơ lớn nhất của tôi. Nó hình thành từ khi tôi còn là một cô bé. Nhưng trong cuộc đời có phải người ta chỉ có một ước mơ duy nhất đâu. Một trong số những ước mơ còn lại mà tôi không thể nào thực hiện, đó là trở về đúng ngôi nhà mà cha mẹ đã sinh ra tôi và tôi từ đó ra đi.