Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Tại Điều 4, Nghị quyết quy định cụ thể về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan trung ương.
Ngoài dự toán chi thường xuyên được phân bổ theo số biên chế, các Bộ, cơ quan trung ương được phân bổ kinh phí để bảo đảm chi tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương theo quy định, kinh phí để bảo đảm nhiệm vụ đặc thù cụ thể của từng Bộ, cơ quan trung ương.
Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế: Áp dụng định mức chung đối với khối các cơ quan TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ thì định mức phân bổ 72 triệu đồng/biên chế.
Áp dụng định mức theo phương pháp lũy thoái đối với các Bộ, cơ quan trung ương còn lại: Số biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao cho từng Bộ, cơ quan trung ương được chia thành các bậc khác nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 100 biên chế trở xuống, cụ thể:
Từ 100 biên chế trở xuống: Định mức phân bổ 70 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 101 đến 500: Định mức phân bổ 65 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 501 đến 1.000: Định mức phân bổ 61 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 1.001 trở lên: Định mức phân bổ 57 triệu đồng/biên chế.
Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế này đã bao gồm các khoản chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ máy các cơ quan; chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hằng năm; chi tiền lương, tiền công lao động; kinh phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên… Ngoài ra cũng bố trí kinh phí cho một số nhiệm vụ không thường xuyên, nhiệm vụ đặc thù của các ngành, lĩnh vực theo quy định.
Về phân bổ dự toán chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặc thù ở trung ương: Đối với khối các Văn phòng, không áp dụng định mức phân bổ chi thường xuyên theo biên chế; dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm được xác định trên cơ sở các tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan này; các hội đặc thù, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật…
Trên cơ sở biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao và mức chi thường xuyên theo định mức phân bổ, khuyến khích các Bộ, cơ quan trung ương tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và tăng chi cho các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
Giảm chi thường xuyên lấy nguồn tăng lương
Theo Nghị quyết, việc thực hiện phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 cho các lĩnh vực sự nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, định hướng đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định của pháp luật về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công.
Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi thường xuyên. Còn đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần, ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu phí được để lại chi để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí. Đồng thời thực hiện khoán chi ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2022 - 2025 và yêu cầu giảm tối thiểu 15% so với giai đoạn 2017 – 2021.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Được vận dụng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016-2020 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
“Ngân sách nhà nước giảm cấp chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các khoản chi đã được kết cấu vào giá dịch vụ theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của từng lĩnh vực sự nghiệp công; dành kinh phí để tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, tăng chi mua sắm sửa chữa và tăng chi đầu tư phát triển, trên cơ sở đó cơ cấu lại các lĩnh vực chi thường xuyên và từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước”, Nghị quyết nêu rõ.
Về chi quốc phòng, an ninh, căn cứ nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với con người và nhiệm vụ đặc thù để ưu tiên bố trí chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm.