Đình làng 4.0

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tất cả các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn Đà Nẵng sẽ được tuổi trẻ thành phố số hóa trên không gian ảo. Bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0, Thành Đoàn Đà Nẵng mong muốn hỗ trợ quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương đến gần hơn với người dân và du khách.

Thích thú trải nghiệm trên không gian ảo

Cuối tuần qua, Quận Đoàn Thanh Khê đã bàn giao công trình số hóa Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Thạc Gián cho địa phương và gắn mã QR tại di tích để phục vụ người dân, du khách tham quan. Xuất phát từ thực tế di tích chưa có hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng như ít thông tin để khách tham quan tìm hiểu, Đoàn phường Chính Gián (quận Thanh Khê) đã quyết định số hóa di tích này. Trước đó khoảng 1 tháng, các tình nguyện viên đã bắt tay thu thập tư liệu, quay phim, chụp ảnh… để chuẩn bị dữ liệu.

Theo anh Lê Trình, Bí thư Đoàn phường Chính Gián, để có các thông tin chính thống, chuẩn xác về di tích, đơn vị đã liên hệ Phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Khê hỗ trợ. Sau khi có được tư liệu, văn bản chuẩn, các bạn ĐVTN đã biên tập lại, phân chia theo từng khu vực trong di tích và tiến hành dịch sang tiếng Anh.

Đình làng 4.0 ảnh 1

Đại biểu, ĐVTN tham gia Lễ hội Đình làng Thạc Gián hào hứng trải nghiệm trên không gian ảo.

“Để người dân và du khách có thể cảm nhận rõ và chi tiết về Đình Thạc Gián, chúng tôi lựa chọn việc ứng dụng công nghệ VR360 với phần hình ảnh và video trực quan. Đoàn phường có CLB Media với các thành viên có chuyên môn, kỹ năng tốt nên không gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị dữ liệu hình ảnh, video”, anh Trình cho biết.

Anh Võ Duy Rin, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê, cho biết Đình Thạc Gián là công trình thanh niên số hóa địa chỉ đỏ đầu tiên trên địa bàn, thực hiện chủ đề của Tháng Thanh niên “Tuổi trẻ Thanh Khê tiên phong trong chuyển đổi số”. “Thời gian tới, Quận Đoàn sẽ tiếp tục triển khai việc số hoá thông tin tại những di tích, địa chỉ đỏ khác trên địa bàn”, anh Rin nói.

Tại Lễ hội Đình làng Thạc Gián lần thứ VII năm 2023 vừa qua, các đại biểu, người dân địa phương và các em học sinh thích thú khi trải nghiệm tham quan di tích trên không gian ảo. Chỉ cần quét mã QR, khách tham quan có thể quan sát không gian đình làng sinh động, đồng thời, tương tác để xem thêm các hình ảnh rõ nét về phù điêu, hoa văn trang trí cũng như di chuyển giữa các khu vực trong đình. Người dân và du khách có thể lựa chọn giữa ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt để đọc và nghe thuyết minh về Đình Thạc Gián trên không gian ảo.

Đoàn phường Chính Gián vẫn đang nâng cấp dữ liệu cho Đình Thạc Gián 4.0, đồng thời, dịch và thuyết minh về đình làng bằng các ngôn ngữ như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Thái.

Quảng bá văn hóa, lịch sử

Trong Tháng Thanh niên năm 2023, Thành Đoàn phát động công trình thanh niên “Số hóa địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, đặt mục tiêu đến tháng 7/2023 sẽ hoàn thành việc số hóa 86 địa chỉ đỏ, gồm: 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp Quốc gia và 67 di tích cấp thành phố.

Theo anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban Tuyên giáo (Thành Đoàn Đà Nẵng), điểm mới của việc số hóa địa chỉ đỏ lần này là ứng dụng công nghệ, thực hiện các sản phẩm số đa phương tiện để thuyết minh, quảng bá về các di tích thay vì chỉ sử dụng hình ảnh và văn bản như trước đây. “Để chuẩn hóa thông tin, Thành Đoàn phối hợp với Sở VH&TT để hỗ trợ các đơn vị trực thuộc khai thác dữ liệu chính thống về di tích”, anh Thành nói.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, việc đồng loạt triển khai số hóa địa chỉ đỏ sẽ thúc đẩy quảng bá, giới thiệu về các địa danh văn hóa, lịch sử trên địa bàn. “Việc này cũng giúp tiết kiệm kinh phí trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hoá, du lịch địa phương; thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống của ĐVTN”, anh Dũng nói.

Sau khi hoàn thành việc số hóa, Thành Đoàn Đà Nẵng dự kiến xây dựng bản đồ số kết nối các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố.

MỚI - NÓNG