Mơ ước của cậu bé vùng Siberi
Bố của Mikhail Mil là nhân viên ngành đường sắt, còn mẹ là nha sĩ ở Irkutsk thuộc vùng Siberi của Nga. Trong thời gian xảy ra nội chiến, Irkutsk nằm dưới sự kiểm soát khi thì của Hồng quân, lúc thì của Bạch vệ. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng của gia đình, cậu bé Mil, 9 tuổi, đã viết những dòng tự sự: “Tôi sinh năm 1909 tại thành phố Irkutsk ở Siberi. Sau khi đọc xong một số cuốn sách, tôi thấy mình có nhiều tài năng. Nhưng sau khi tiếp tục đọc những cuốn sách khác, tôi không còn tin vào những khả năng đó nữa…”.
Cha mẹ Mil từng tin rằng, con trai họ sẽ trở thành nhà thơ hay một nhạc sĩ vì cậu biết chơi piano, vẽ và làm thơ. Nhưng, sau khi học xong phổ thông, Mil vào học tại Trường đại học Kỹ thuật Tomsk, ông đã bị buộc thôi học ngay sau năm thứ nhất. Một người nào đó vì ghen tị đã viết đơn tố cáo với nhà trường rằng, gia đình ông có bộ ghế mềm, những thứ mà vào thời kỳ đó được coi là biểu hiện của sự giàu có, và để tránh bị rắc rối, nhà trường đã buộc ông nghỉ học.
Tuy nhiên, Mil không từ bỏ ước mơ được đi học. Ông xin làm thợ phụ cho một xưởng thuộc da, rồi sau đó được làm việc trong phòng thí nghiệm hóa học. Với tấm thẻ lao động được cấp, ông tiếp tục theo học Đại học Bách khoa Novocherkassk ở Rostov, nơi có khoa đào tạo về hàng không tốt nhất Liên Xô vào thời điểm đó.
Tại ngôi trường này, ngoài việc được trang bị những kiến thức trong lĩnh vực hàng không qua các bài giảng về khí động học của Vladimir Levkov - nhà thiết kế những chiếc tàu đệm không khí đầu tiên trên thế giới, Mil đã gặp được Panna Rudenko, người vợ tương lai của mình. Panna là một trong những cô gái xinh đẹp nhất trường, lúc đầu đã từ chối sự săn đón của Mil, cậu thanh niên có đôi má hồng, nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi để rồi sau đó, chính Panna nhận ra rằng cuộc sống của bà không thể thiếu được Mil.
Họ đã thuê phòng sống chung với nhau. Trong một thời gian dài, Panna từ chối kết hôn với Mil, bà thường nói rằng “hạnh phúc không phải ở tờ giấy đăng ký”. Đám cưới của họ chỉ diễn ra sau khi trong nhà đã có ba đứa trẻ.
Ý tưởng tạo ra một chiếc máy bay có thể nâng con người lên không trung bằng các cánh quạt, không phải là mới, và ý tưởng đầu tiên như vậy là của Leonardo da Vinci. Những nỗ lực để tạo ra được một máy bay như thế đã có vào đầu thế kỷ XX. Một trong những phi công đầu tiên của Nga Igor Sikorsky đã chế tạo được chiếc máy bay trực thăng, tuy nhiên, nó đã không thể bay lên được. Vấn đề chính là không có động cơ đủ công suất và hệ thống các cánh quạt nghiêng rất phức tạp để máy bay di chuyển được về phía trước…
Mi-1 – máy bay trực thăng đầu tiên của M. Mil.
Tuy nhiên, máy bay trực thăng đã bay được và đã được sản xuất hàng loạt vào những năm 1930. Đây là loại trực thăng có cánh quạt nâng tự do và được gọi là autogyro. Các autogyro đầu tiên của Liên Xô được Nikolai Kamov chế tạo vào năm 1928 ở chính phòng thiết kế mà Mil được cử đến làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Sau đó, Mil được điều đến bộ phận thiết kế đặc biệt của Viện Thủy Động lực học Hàng không Trung ương (TsAGI), nơi làm việc của các nhà lý luận và thực hành hàng đầu trong lĩnh vực hàng không của Nga.
Mil đứng đầu bộ phận autogyro, nhưng các ¬¬nghiên cứu đầu tiên thất bại, nên sau đó ông phát triển dự án máy bay tiêm kích không cánh. Vào năm 1930, chiếc máy bay trực thăng đầu tiên của Liên Xô TsAGI 1-EA đã bay lên được, có thể ở trên không hơn 20 phút và bay lên đến độ cao 600 m. Tuy nhiên, sự an toàn của chiếc máy bay trực thăng đầu tiên chưa được như mong muốn.
Mi-1 - đứa con đầu lòng
Sau khi chiến tranh nổ ra, Mil đã được cử ra mặt trận trong thành phần của phi đội 14 autogyro. Nhưng những chiếc máy bay tốc độ thấp, ồn ào và dễ bị tổn thương không có chỗ trong một cuộc chiến khốc liệt, và vì vậy, tất cả 14 autogyro đều được trả lại cho nhà máy. Điều này gây thất vọng cho chính phủ về khả năng sử dụng máy bay trực thăng cho mục đích quân sự, và cho đến giữa những năm 1940, tất cả các dự án về loại máy bay này đã bị dừng lại: Ở TsAGI chỉ tiến hành các thử nghiệm về mặt lý thuyết trong các đường ống động lực học hàng không. Cho đến cuối cuộc chiến tranh, Mil chỉ nghiên cứu các vấn đề về độ ổn định của máy bay chiến đấu.
Mi-4 - máy bay trực thăng vận tải quân sự đầu tiên của các lực lượng vũ trang Liên Xô.
Tuy nhiên, Mil vẫn không từ bỏ ước mơ của mình. Năm 1945, ông có gửi cho Đại nguyên soái Stalin một bức thư đề nghị được chế tạo một chiếc máy bay trực thăng, nhưng Điện Kremli đã không trả lời. Trong thời gian tiếp tục làm việc ở TsAGI, ông bí mật hoàn thiện mẫu máy bay trực thăng thông dụng đầu tiên của Liên Xô được đặt tên là Mi-1.
Vào năm 1947, khi chính quyền Xôviết bắt đầu chú ý đến loại máy bay này vì ở Mỹ nó được dùng phổ biến, đồ án thiết kế của Mil đã sẵn sàng. Cần phải nói thêm rằng Igor Sikorsky - tác giả của loạt máy bay trực thăng đầu tiên trên thế giới ở Mỹ cũng là một người Nga.
Mi-12 - máy bay trực thăng lớn nhất trên thế giới được thiết kế để vận chuyển tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Các cuộc thử nghiệm Mi-1 gặp rất nhiều khó khăn. Trong cuộc bay thử đầu tiên, tai nạn xảy ra khi chiếc trực thăng đạt đến độ cao bay tối đa 5.200m, dầu bôi trơn trong ổ trục của hệ thống điều khiển bị đông cứng lại. Phi công đã phải nhảy dù. Tai nạn thứ hai xảy ra ngay trước sự chứng kiến của Mil và các chuyên gia của Ủy ban Nhà nước về hàng không. Chiếc trực thăng đã xoay quanh trục của nó ngay dưới mặt đất. Matvey Baykalov, phi công bay thử nghiệm đã thiệt mạng.
Theo hồi ức của các nhân viên phòng thiết kế, không ai nhìn thấy Mil trong 3 ngày. Đến ngày thứ tư, ông đến văn phòng với vẻ mặt xanh xao, hốc hác. Sau khi triệu tập các kỹ sư thiết kế lại, ông khẳng định rằng, các tính toán trong thiết kế máy bay không sai. Nguyên nhân của vụ tai nạn là việc hàn thanh kéo của khối quay không đạt chất lượng dẫn đến hậu quả nó bị phá hủy và làm phi công mất khả năng điều khiển.
Sau khi hoàn thành việc chế tạo chiếc trực thăng thứ 3 theo mẫu, các kỹ sư của phòng thiết kế đã trực tiếp kiểm tra từng cái ốc vít trên máy bay trước khi nó được cho bay thử. Cuộc thử nghiệm thành công. Mi-1 được đưa vào sử dụng và đạt được tổng cộng 20 kỷ lục thế giới. Mi-2, được cải tiến từ Mi-1, đã là phương tiện chính để đào tạo hàng nghìn phi công trực thăng của Liên Xô.
Cái chết và sự bất tử
Khi cuộc chiến ở Triều Tiên nổ ra, máy bay trực thăng Mỹ đã vận chuyển được hàng trăm nghìn tấn hàng hóa và đưa ra khỏi chiến trường hàng trăm người bị thương. Năm 1951, trong một cuộc họp được tổ chức tại Điện Kremli, Kamov và Mil, hai nhà thiết kế máy bay trực thăng chủ chốt của Liên Xô, đã trình bày với Stalin về các đồ án thiết kế máy bay trực thăng quân sự đổ bộ của mình.
Một lần nữa, Mil lại giành chiến thắng vì đồ án thiết kế của ông là loại máy bay trực thăng 12 chỗ, mà sau này được đặt tên là Mi-4. Từ đó, phòng thiết kế của Mil tập trung vào nghiên cứu loại máy bay hạng trung, nặng và siêu nặng.
Mi-28 do Nga sản xuất.
Bắt đầu từ những năm 1960, mỗi trực thăng Mi ra đời đều làm cho thế giới phải chú ý. Những chiếc trực thăng lớn nhất thế giới Mi-6 và Mi-10 với trọng tải 12 và 15 tấn có thể vận chuyển được cả tòa nhà cho công nhân và các giàn khoan đến các khu khai thác dầu khí. Mi-8, đã sản xuất được hơn 12.000 chiếc, cũng là loại trực thăng phổ biến nhất trên thế giới. Mi-12, bản thiết kế cuối cùng của Mikhail Mil, là loại máy bay trực thăng lớn nhất thế giới. Nó được thiết kế để vận chuyển tên lửa đạn đạo hạt nhân và có thể nâng lên đến 40 tấn hàng hóa. Chiều dài của máy bay trực thăng là 37m, trọng lượng cất cánh tối đa là 105 tấn.
Trái tim của Mikhail Mil đã ngừng đập vào ngày 31/1/1970. Theo hồi ức của các đồng nghiệp, Mil đã từng buồn phiền, đau khổ trước mỗi thất bại trong một thời gian dài. Nhà máy mang tên Mil tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay. Các học trò của ông đã tạo ra hàng loạt mẫu máy bay mới, trong đó Mi-24 và Mi-28 là những máy bay trực thăng chiến đấu chính của Quân đội Nga.
Theo Hoàng Tuất