1. Từng là cái tên được săn đón nhiều nhất của các nhà làm phim thập niên 90, không chỉ bởi tài năng mà còn bởi vẻ đẹp nền nã, truyền thống, không lẫn vào đâu, với bất cứ ai được. Việt Trinh theo vào giấc ngủ của biết bao cô bé chân trần, tóc khét ở quê. Trên những tờ lịch treo tường, trên bìa cuốn sổ giáo viên, cả cuốn tập học sinh lem nhem mực tím.
Việt Trinh bây giờ vẫn đẹp, vẫn nét. Vẻ đẹp của người đàn bà 40 từng trải nhiều sóng gió càng mặn mà, cuốn hút. Giai nhân, muôn thuở vẫn cứ là giai nhân. Dù phục sức trên người là lụa là, gấm vóc hay là thứ vải thô mộc. Dù được điểm trang kỹ càng hay không son phấn.
Nhắc chuyện xưa, Việt Trinh khước từ: "Chuyện, chị quên lâu lắm rồi!”. Quá khứ, lỗi lầm, chị muốn khép lại. Không phải chị buồn, chị ngại nhắc mà tại "nó đã xong rồi, nhiều người biết rồi, có gì mới mẻ đâu”. Tôi rất thích cách nghĩ của Việt Trinh: "Đừng ngóng về quá khứ, hồi đó mình được người này thương, người kia thương. Cũng đừng băn khoăn về tương lai. Thay vào đó, cứ sống hết mình ở hiện tại.” Cách nghĩ mà tôi tin, Việt Trinh đã phải trải nhiều, thậm chí phải trả giá để nhận ra.”
Phận đời long đong, tình duyên lận đận, hỏi Việt Trinh có tin câu "hồng nhan bạc mệnh”? Chị thẳng thắn nhìn nhận: "Có những chuyện không hay xảy ra ngoài ý muốn cũng là do chị tạo ra. Mình háo thắng, hành động không đúng thì kết quả không tốt là tất yếu. Chị tin, mọi thứ đều do một phần nhân quả của tiền kiếp, phần còn lại là do hiện kiếp. Đừng đổ thừa do hồng nhan, do người khác mình mới như vậy.”
"Chuyện tình yêu, chị cũng không trách ai. Tất cả những mối tình chị có đều đẹp. Chỉ là có duyên mà không có nợ thôi. Sau khi chia tay, mỗi người mỗi ngả, tụi chị lại trở thành bạn của nhau, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Chị không có mối tình nào mà chia tay thì đâm thù nhau, ghét nhau, hận nhau cả. Vì chị luôn nhìn mọi chuyện thật đơn giản. Suy nghĩ sao tôi bỏ anh, sao anh bỏ tôi đều do cái tôi của mình quá lớn. Lỡ như, có sự cố gì đó, chị đâu muốn người ta áy náy khi làm chị buồn và ngược lại. Mọi việc chỉ là, thuận duyên thì đến với nhau, hết duyên thì xa nhau. Điều ấy đâu phải riêng mình, trong xã hội này, trên thế giới này, có biết bao chuyện tình như vậy. Ngay cả khi tình yêu xuất phát từ hai phía, cũng phải để cho người ta cảm thấy tự do. Mình phải làm chủ cuộc sống của mình. Đến vui buồn mà mình hoặc người ta phải lệ thuộc vào nhau thì thật ích kỷ. Anh em, bạn bè và nhiều mối quan hệ khác nữa cũng vậy. Hãy cứ đơn giản và chấp nhận.”
Vì cuộc đời vốn dĩ là vô thường. Được đó, mất đó. Hợp đó rồi tan đó. Ai biết đâu mà lần.
2. Mối duyên lớn nhất với Việt Trinh là phim ảnh. Nói Việt Trinh nặng nợ với phim cũng được, bảo là nghề cũng không sai. Bởi, nếu không làm gì đó liên quan đến phim, có lẽ Việt Trinh chịu không nổi. Mà rời phim ra, như Việt Trinh nói "không biết làm cái gì nữa”. Việt Trinh vẫn như ngày xưa, rong ruổi cùng phim qua nhiều nẻo đường. Khác là, trước đây chị được đoàn phim cưng như trứng, hứng như hoa thì giờ sự nâng niu, chiều chuộng đó chị dành cho các diễn viên trẻ. Cuộc "chuyển giao” vị trí này cũng là lẽ thường. Bởi, đến một lúc nào đó, sự hóa thân vào nhân vật khiến người ta bớt mặn mà. Mấy lúc, diễn viên ỏng eo hoặc đóng không đạt, Việt Trinh giận, la vài câu. Diễn viên uất quá, bảo: "Thấy chị trên phim vậy, không ngờ chị dữ quá!” Đành đạch đòi bỏ phim. Chắc giận thì ít mà do mất hình tượng thì nhiều. Vài bữa, bình tĩnh trở lại, diễn viên thỏ thẻ xin lỗi. Việt Trinh cười, bao dung mở cơ hội.
Bản thân phụ nữ đã cực trăm bề. Phụ nữ làm phim, cực khổ càng chất chồng. Đạo diễn cũng phải lăn bò, nắng nôi, cơm bờ ngủ bụi như ai. Chưa kể phải đứng ra tính toán, sắp xếp cho hai ba chục con người. Việt Trinh thương nhất con trai Thiện Nhân, mỗi lần thấy mẹ xách giỏ hoặc điểm trang, biết mẹ sắp đi ôm chân, níu vai nức nở "Không cho mẹ đi đâu! Không cho mẹ đi đâu!” Nên, lần nào có dịp quay trong nội ô Sài Gòn, chị đều cố gắng sắp xếp đưa con đi theo cho gần mẹ gần con. Thi thoảng ra mắt phim, Việt Trinh đưa con theo. Nhưng hễ thấy ống kính phóng viên chĩa về phía Thiện Nhân, chị đều nhã nhặn "năn nỉ” đừng chụp. Chị muốn giữ cho con những vẹn tròn nhất của tuổi thơ. Như chị ngày xưa. Dù cơ cực nhưng lúc nào cũng được sống trong yêu thương đầy ắp và tiếng cười. Như mẹ chị ngày còn sống. Dẫu dở dang duyên nợ với ba chị, vẫn tảo tần một nắng hai sương chở che bầy con nheo nhóc, đang tuổi ăn tuổi lớn, không một lời oán trách. Nhắc về mẹ, mắt chị rơm rớm nước… Trinh nói, giờ có con, chị thấy thương mẹ nhiều hơn.
Và cũng từ lúc có con, Việt Trinh thấy mọi thứ phù phiếm hơn. "Em cũng biết rồi đó, tính chất nghề diễn nhiều thị phi lắm. Một nói mười, mười đồn trăm. Ví như trước đây người ta nói Việt Trinh hai lúa, ăn mặc quê mùa, sến sẩm. Suốt một thời gian, chị cố gắng mặc đồ hiệu, sắm bóp hiệu, giày hiệu để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Mỗi lần có event này kia, chị lo sốt vó luôn. Mặc cái đầm nào, đeo cái gì, xách cái ví nào hợp với cái đầm đó. Rồi chị vỡ lẽ, ồ tại sao mình phải làm nô lệ cho những món hàng này? Phải sống theo những đánh giá, vui buồn theo khen chê của người khác. Mình lớn rồi, đâu phải con nít mà màu mè vậy. Điều quan trọng ở đây là mình làm chủ được cảm xúc của bản thân. Phục sức phải hợp với độ tuổi và túi tiền của mình. Miễn đừng luộm thuộm, làm xấu hoặc ảnh hưởng đến buổi event đó là được.”
"Đời sống bây giờ chi phí cao quá, trong khi có một mình chị bươn chải trong ngoài. Con mỗi ngày mỗi lớn, có những lo lắng, khó khăn khác nhau. Cũng có đôi lúc chị mệt mỏi lắm chứ! Nhưng rồi chị vượt qua hết. Em biết vì sao không? Vì thương con. Và vì từ khi chị làm công tác xã hội, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khổ tới mức mình không thể nào ngờ được. Chị thấy mình còn sung sướng quá chừng. Có thể, chị không may mắn có một bờ vai, nhưng chị có đứa con kháu khỉnh, có những đồng nghiệp, bằng hữu rất thương mình, có công việc tốt. Còn mong gì hơn? Cứ ước hoài, ước hoài, chẳng phải mình tham lam quá sao?” – chị trải lòng về khó khăn của một bà mẹ đơn thân.
Hỏi Trinh vậy có định tìm một bờ vai để tựa nương? Chị cười, nheo đuôi mắt bắt đầu có vết chân chim: "Ngày trước, nhìn những người phụ nữ khác có đôi có cặp, chị tủi thân và ao ước mình được vậy lắm. Từ khi theo đạo, nghe lời Phật dạy, rồi có con, chị hiểu rằng, cuộc đời mỗi người là một số phận được an bài. Chị học được từ chị Châu Thổ 3 chữ "C”: "Cởi mở, chân thành và chấp nhận. Với chị, con trai là phước báu lớn nhất đời mình.”
3. Hẹn gặp Việt Trinh rất khó. Bởi giãn phim ảnh, chị lại mải miết với những chuyến đi. Theo các đoàn từ thiện đi khắp hang cùng ngõ hẻm, mang hy vọng đến những nơi khó khăn nhất, tuyệt vọng nhất, cùng cực nhất. Và cũng chính những hoàn cảnh, những số phận từng chứng kiến đã cho chị cách nhìn về đời sống bao dung, an yên và nhẹ nhõm hơn. Có lần Việt Trinh và đoàn ghé Bệnh viện ung bướu quận 2, thấy cặp vợ chồng bị ung thư chăm sóc nhau, người xác xơ, đến cái áo cái quần cũng tạm bợ, chị rớt nước mắt. "Thấy những cảnh đó xong, nhìn lại cái bóp hiệu của mình, chị hối hận quá chừng. Chị chỉ dám mua loại rẻ nhất thôi, cũng đã 70, 80 triệu rồi. Nếu mà người nghèo có được số tiền đó, họ sẽ được nhiều thuốc men hơn. Mà cái bop vô tri vô giác, trong khi mình giúp người có ý nghĩa vô cùng. Thành ra, một cái đầm dạ hội mắc nhất của chị bây giờ không quá 15 triệu. Còn quần áo hằng ngày, cái nào hợp là chị mặc hà.”
Ước mơ lớn nhất của Việt Trinh bây giờ là có thể đảm bảo cuộc sống đủ đầy cho con và hoàn thành nơi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Việt Trinh ấp ủ dự định này từ năm 2006 nhưng sau chị có con, nhiều chuyện xảy ra, kinh tế thiếu hụt nên dự án lừng chừng mãi đến nay. Chị thật tình chia sẻ: "Chị có mua miếng đất ở Định An, Đà Lạt. Năm vừa rồi, chị bắt đầu ổn định nên tích góp làm từ từ. Sau này lớn rồi, chị sẽ học thêm về nghề thuốc rồi kêu gọi người này người kia giúp thêm. Giờ chị chỉ mong công việc ổn định, sức khỏe tốt để chị làm vừa đủ nuôi con thôi.”
Còn hở chân được chút nào, Việt Trinh lại rời phố về ngôi nhà rợp bóng cây ở Bình Dương. Về để được ngó nắng xanh mướt, ngó con mương mạt rượi sau nhà. Về để được đội nón tơi, đi chân đất, hái trái, hái rau. Nghe con tíu tít kể chuyện nhà, chuyện trường chuyện lớp. Cuộc sống cứ thế nhẹ nhàng trôi như nắng qua thềm. Bình yên không phải ở ngoại cảnh, hay bất cứ ai mang lại. Bình yên là bông hoa nở trong lòng mỗi người.