Diễn viên Trung Ruồi: 'Từng đổi một trận đòn đau lấy đèn lồng trung thu'

Những cái tết trung thu đáng nhớ của Trung Ruồi.
Những cái tết trung thu đáng nhớ của Trung Ruồi.
TPO - Ngày bé, Trung Ruồi đã “đổi” một trận đòn đau để có chiếc đèn lồng trung thu. Năm đầu tiên vào đại học, nam diễn viên dự nhiều tết trung thu nhất khi đi đánh trống thuê và trung thu buồn nhất khi nằm hành lang bệnh viện…

Gặp Trung Ruồi vào đêm muộn khi nam diễn viên vừa xong buổi tập để chuẩn bị cho trung thu ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Bất đắc dĩ phải gặp vào giờ đó vì Trung Ruồi “chạy show” từ sáng sớm. Lịch quay, lịch diễn dày đặc nên tôi buộc phải “canh” để tranh thủ có cuộc trò chuyện với diễn viên Trung Ruồi.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở khu tập thể nên cứ gần đến dịp trung thu, bọn nhỏ lại tập trung để khoe đồ chơi. Bạn bè ai cũng có đồ chơi rất lạ, nhiều màu và đẹp mắt. Có đứa được bố mẹ mua cho đèn ông sao to. Còn tôi thì chẳng bao giờ có.

Đồ chơi của tôi đều là do bố tự làm. Đó cũng là niềm vui của bố. Bố tôi cắt hộp bìa làm mặt nạ. Vỏ hộp xà phòng 1kg ngày xưa ấy, bố tôi lấy dây buộc vào một cái que rồi cắm nến cho tôi làm lồng đèn.

Với những món đồ chơi đó, tôi thường thấy tủi thân vì nó xấu. Nhưng sau này tôi mới biết đó là những món quà ý nghĩa nhất.

Tôi biết sở thích của bố là tự chế tất cả đồ chơi cho tôi. Cũng có những món đồ chơi tôi rất khoái như súng bẹ chuối, kiếm gỗ… Kiếm gỗ được bố chế từ những miếng gỗ kệ hàng mà mẹ mang ở xưởng giày da về. Bố làm súng gỗ rất khéo hay bố mày mò làm cho tôi xe ô tô chạy bằng vòng bi xe máy.

Ngày thường, tôi rất thích nhưng ngày trung thu, tôi muốn có món đồ chơi “hàng chợ” như các bạn. Thế nhưng bao nhiêu năm tôi vẫn không được mua đồ chơi.

Đến năm tôi biết xấu hổ, tôi đã lấy phấn viết lên cửa gỗ, bàn ghế, đầu giường của bố, cổng nhà, tường, mặt bàn học, tủ tivi… điều ước của tôi. Tôi viết: “Con ước có một cái đèn lồng”. Bố về nhà và tôi “ăn” ngay một trận đòn.

Tối đó, mẹ thương nên đã lén bố bảo anh trai đưa tôi cùng mẹ lên phố mua cho tôi đồ chơi. Món quà trung thu đầu tiên của tôi là một chiếc đèn lồng có nhạc và máy bay. Tôi vẫn nhớ, chiếc máy bay đồ chơi trị giá 18 nghìn đồng.

Nhiều tháng sau, nét phấn của tôi vẫn in hằn loang lổ trên cánh cổng vì phấn ăn vào những vết hoen gỉ nên không thể lau sạch…

Diễn viên Trung Ruồi: 'Từng đổi một trận đòn đau lấy đèn lồng trung thu' ảnh 1 Trung Ruồi- người mặc áo khoác màu xanh, trắng. Trung Ruồi cho biết, từ nhỏ đã thích "khác người". Khi cả lớp thống nhất mặc áo sơ mi trắng để chụp ảnh lưu niệm chia tay năm học, cậu mặc áo khoác màu xanh để không giống ai.

Bố mẹ tôi khá đơn giản nên trung thu trong nhà chỉ có một mâm ngũ quả và 1 chiếc bánh dẻo, 1 chiếc bánh nướng. Tôi thì ám ảnh với bánh dẻo vì nó ngọt, dai và từng khiến tôi mắc nghẹn. Nên tôi rất ghét. Có năm, tôi đấu tranh với mẹ mua 2 bánh nướng thay vì 1 bánh nướng, 1 bánh dẻo như mọi năm.

Nhưng mẹ không đồng ý. Thế là tôi quyết tâm sẽ tự tích cóp tiền để mua bánh cho riêng mình. Bánh nướng khi ấy có giá 7 nghìn đồng. Mỗi sáng tôi được mẹ cho 1 nghìn đồng để mua bánh mì.

Chỉ cần 7 ngày là đủ 1 chiếc bánh nướng. Nhưng nhịn đến bữa sáng thứ hai là tôi không thể chịu đựng được nữa. Cuối cùng, tôi đành cố chờ đến ngày trung thu để thưởng thức bánh nướng. Tôi cứ đếm và mong từng ngày.

Tuy nhiên, đến ngày phá cỗ thì chiếc bánh nướng của tôi bị mốc vì mẹ mua trước nhiều ngày. Tôi giận dỗi rồi bỏ ra đầu nhà ngồi thẫn thờ và không nói gì. Tôi giận mẹ…

Năm đầu tiên đại học, tôi đi đánh trống thuê vào dịp trung thu. Đó là năm mà tôi dự nhiều lễ trung thu nhất trong gần 20 năm cuộc đời. Ngày bình thường, tôi được họ trả 300 nghìn cho một sự kiện nhưng ngày trung thu được trả 350 nghìn.

Tôi cũng muốn đi chơi trung thu cùng bạn bè nhưng tôi cần tiền để đi học hơn.

Trung thu buồn nhất của tôi là trung thu năm 2016 khi mẹ tôi đang nằm viện điều trị ung thư.

Ngày mẹ vào phòng mổ thì tôi đang cùng đoàn làm phim quay ở Thái Bình. Đó là dự án đã có kế hoạch từ trước, tôi không thể bỏ cũng không thể đổi vai được. Cũng giống như câu chuyện Kép Tư Bền. Ngoài trường quay thì cười khằng khặc nhưng máy dừng lại ra một góc ngồi thẫn thờ.

Cảm xúc lúc đó tôi không thể diễn tả cũng không thể nào quên được. Mẹ tôi vào phòng mổ lúc 9h sáng và đến 10h đêm chưa tỉnh. Tôi sốt ruột nhưng không buồn, không sợ vì không biết có chuyện gì xảy ra trong khi vẫn phải nhớ thoại, phải cười nói… Có lúc trước khi vào diễn tôi phải ra rửa mặt cho tỉnh táo.

Sau đó, 1 tháng liền tôi ăn ngủ ở viện K. Ngày đi làm, đi diễn, tối về viện chăm mẹ. Thấy không khí ở bệnh viện nặng nề, tôi kể chuyện cười cho mọi người trong phòng cùng nghe.

Một số người biết mẹ Trung Ruồi nằm ở đó nên rủ nhau tới đông. Có những hôm phòng kín người như cái sân khấu. Ở viện K thì ít tiếng cười lắm vì nhìn thấy nhau thôi đã thấy suy sụp rồi. Tôi từng ví viện K là viện trọc đầu. Phụ nữ đẹp ở mái tóc nên cứ nhìn là tôi thấy xót xa.

Rồi những người tôi biết, những người thường qua phòng nghe tôi kể chuyện, thỉnh thoảng lại vắng một người. Đôi khi tôi không dám hỏi là họ đã đi đâu rồi.

Hiện sức khỏe của mẹ tôi cũng tạm ổn nhưng tôi không thể nào quên những ngày ở viện, mùa trung thu buồn nhất tôi đã đi qua”.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.