Không bao giờ “xin” vai
Hẹn gặp Lê Tuấn Anh cũng không mấy dễ dàng, bởi lẽ nghệ sĩ sinh năm 1970 này có phần ngại tiếp xúc với truyền thông. Trốn được là anh ấy tránh luôn. “Không nói ra chẳng ai biết tôi là con nghệ sĩ nổi tiếng. 18 năm đứng trên sân khấu chưa bao giờ tôi mở lời xin đạo diễn cho vai nào. Ai thấy tôi hợp thì chọn vai cho tôi. Suy nghĩ của tôi đơn giản, niềm vui của tôi cũng giản dị- đứng trên sân khấu diễn và quan sát thái độ của khán giả”, anh nói.
Ông bố nghệ sĩ nổi tiếng ấy chính là NSƯT Đức Trung chuyên vai Bác Hồ, các vai chính diện đạo mạo, tử tế. Nghệ sĩ Đức Trung từng làm Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng Lê Tuấn Anh thừa nhận chưa bao giờ vì chức vụ của bố mà được ưu ái hơn.
Không qua trường lớp đào tạo, sau này khi chính thức được nhận về đoàn của Chí Trung cũng không đi học thêm. “Thực ra bốn năm học ở trường có khi chỉ bằng nửa năm xem các anh chị tập và diễn trực tiếp”, anh nói. Thừa hưởng gen nghệ thuật của bố mẹ, có được chất giọng phù hợp với sân khấu và tự học hỏi, Lê Tuấn Anh bén duyên diễn viên khi vào độ tuổi khá cứng-33 tuổi.
Nói như vậy không có nghĩa Lê Tuấn Anh ăn may. Anh kể từ lên chín tuổi đã được chọn đi đóng phim nhựa. Thời ấy chọn diễn viên đóng phim nhựa oách lắm, casting rất kỹ. Cậu bé 9 tuổi khi ấy được làm con của NSND Đoàn Dũng (Cha và con) và NSND Thế Anh (Trở về Sam Sao). Sau này, Lê Tuấn Anh vẫn đi làm phim nhưng cũng không xuất hiện quá nhiều lại thường là vai phụ, đặc biệt chỉ ai mời thì tham gia chứ cũng không chủ động mở lời xin vai bao giờ.
Những vai phụ đáng giá
Một số khán giả nhận xét trên fanpage “Quỳnh búp bê” rằng “ông” diễn viên này đóng vai Phú quá đạt, đúng miệng lưỡi lắt léo của kẻ đi chăn dắt, chọn diễn viên rất chuẩn. Vai Phú này cũng do đạo diễn Mai Hồng Phong mời. Anh từng hợp tác với đạo diễn từ rất lâu trong Những ngọn nến trong đêm năm 2002, nên khi đạo diễn ngỏ lời anh đồng ý ngay dù nhiều người ngại không dám nhận.
Tôi cũng lấy làm lạ, gần như không xuất hiện trên báo chí nhưng vở nào tôi diễn xong khán giả vẫn gặp chụp ảnh cùng. Nhiều người tới nhà hát còn hỏi vở này có Lê Tuấn Anh diễn hay không. Niềm vui của tôi giản dị vậy thôi.
Không có vai diễn nhỏ, chỉ có người diễn viên nhỏ nên Lê Tuấn Anh không vì vai nhỏ mà ẩu. Trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, anh hay được giao vai hài, vai xuất hiện ngắn thôi nên vai diễn trong “Nhà ô sin” là một trong số ít vai chính kịch. Năm 2018 khi vở này dự Liên hoan sân khấu toàn quốc, vai diễn của anh được huy chương vàng. NSND Lê Khanh với vai trò đạo diễn cũng ưu ái, chỉnh sửa để đẩy vai của Lê Tuấn Anh lên thành vai chính.
Trước đó, vai cảnh sát quan liêu trong “Ai là thủ phạm”-kịch bản Lưu Quang Vũ- dự thi Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an giành Huy chương bạc. “Khi đi thi anh Chí Trung dặn rất nhiều bởi đây là vai khá nhạy cảm. Tôi còn không nghĩ được huy chương vì vai ấy quá ngắn, có chừng năm phút. Vì nó ngắn nên tôi cố gắng lột tả hết mặt tiêu cực, để họ thấy trong ngành công an cũng có người như thế. Vai càng ngắn càng phải ấn tượng, cho dù chỉ xuất hiện trong một cảnh cũng phải đắp cho đầy”, anh nói.
Hỏi Lê Tuấn Anh sau khi giành huy chương vàng có nghĩ lại, sẽ “đấu tranh” để có bằng được vai chính, anh thủng thẳng: “Tôi nghĩ rằng nếu tôi xin, người ta gạt đi thì tôi rất ngại. Nên kệ. Ai bảo thì tôi làm, không từ chối. Nếu ai cảm thấy tin tưởng giao vai cho tôi thì tôi làm”.