Kịch Lưu Quang Vũ vẫn hút, vì sao?

“Nguồn sáng trong đời”, bản dựng của NSND Hoàng Dũng cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH.
“Nguồn sáng trong đời”, bản dựng của NSND Hoàng Dũng cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH.
TP - Tháng 8 này khán giả chìm trong không gian Lưu Quang Vũ: Một vở diễn mới ra mắt ở Nhà hát Kịch Việt Nam, bốn vở tại Nhà hát Tuổi trẻ, đặc biệt đêm thơ nhạc kịch tưởng nhớ Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Lớn.

NGUỒN SÁNG TRONG ÐỜI

Sau khi dàn dựng liên tiếp nhiều kịch bản hiện đại rồi tới lịch sử, Nhà hát Kịch Việt Nam trở lại với tác giả Lưu Quang Vũ khi chọn dựng lại Nguồn sáng trong đời. NSND Anh Tú, quyền Giám đốc Nhà hát mời NSND Hoàng Dũng nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội sang dàn dựng, làm phong phú thêm ngôn ngữ đạo diễn.

Tác phẩm viết năm 1984 xoay quanh họa sĩ mù Lê Chí bị thương trong chiến tranh. Sống trong bóng tối 10 năm, Lê Chí luôn khao khát được nhìn lại ánh sáng đời thực, có cơ hội ghép giác mạc từ đôi tròng mắt của người vừa chết. Mong mỏi của Lê Chí gần như vô vọng cho tới ngày một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối xuất hiện.

Kịch Lưu Quang Vũ vẫn hút, vì sao? ảnh 1
 

Di sản kịch Lưu Quang Vũ để lại vài chục vở, nhiều vở thuộc hàng kinh điển như Hồn Trương Ba da hàng thịt, nhưng tất nhiên trong nhiều vở vẫn có sự lạc hậu, mất tính thời sự nhất định. NSND Hoàng Dũng thừa nhận điều này, nhưng tìm thấy điểm tựa chính là cách giải quyết vấn đề của Lưu Quang Vũ “đầy nhân ái, rất đọng”. Nội dung Nguồn sáng trong đời không khó đoán, nhưng khán giả vẫn tò mò muốn xem tác giả và đạo diễn thuyết phục mình cách nào. Tính thời điểm của câu chuyện qua rồi-bây giờ chuyện ghép giác mạc dễ như mổ ruột thừa, hiến tạng không hiếm và được nhìn nhận cởi mở hơn-tuy nhiên người xem vẫn chấp nhận vở diễn ở thông điệp nhân văn và tính triết lí.

Nguồn sáng trong đời là một trong những tác phẩm cho thấy rõ tư tưởng của Lưu Quang Vũ về lòng nhân ái, sự cao thượng, lẽ sống và bản chất của nghệ thuật. Toàn chấp nhận lên bàn mổ, giành giật một phần nghìn cơ hội sống từ cửa tử của căn bệnh ung thư, cũng đồng nghĩa với việc cho y học thêm ca thực nghiệm quý, mở hy vọng cho Lê Chí được nhìn thấy ánh sáng từ đôi mắt của Toàn nếu ca mổ thất bại. Thành công của người này bắt nguồn từ thất bại của người khác. Đôi mắt của Toàn không phải khép chặt trong lòng đất, nó trở thành nguồn sáng cho hoạ sĩ đương đầu với cuộc chiến thực sự: Khi bị mù Lê Chí được ca ngợi hết lời vì nghị lực sống, tượng của anh được người ta trưng bày không phải vì chúng đẹp, hay vì tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

TÌNH YÊU Ở LẠI

Nhà hát Tuổi trẻ mấy năm trở lại đây hầu hết đều chọn dựng lại kịch Lưu Quang Vũ, từ vở thể hình Hồn Trương Ba da hàng thịt cho tới những vở kịch nói như Ai là thủ phạm, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ chín và mới đây Hoa cúc xanh trên đầm lầy. Những vở này trong tháng 8 sáng đèn mỗi cuối tuần đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh.

“Mọi người luôn lo lắng kịch Lưu Quang Vũ hơi cũ, nhưng tới rạp sẽ thấy khác. Kịch anh Vũ vẫn hút khách, khán giả quan tâm và còn thích xem”, đạo diễn Nguyễn Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói. Thời buổi sân khấu thưa vắng khách, nhà hát vẫn bán được mấy chục triệu tiền vé cho mỗi đêm kịch Lưu Quang Vũ là ổn lắm rồi.

Đương nhiên một số kịch bản không tránh khỏi lạc hậu, nhất là không khí thời bao cấp- Sỹ Tiến thừa nhận. “Tuy nhiên kịch Lưu Quang Vũ tính triết lí cao. Tác giả là nhà thơ nên câu chuyện ngọt ngào, lời thoại dễ nghe và quan trọng là chính nhờ tính triết lí nên câu chuyện không bị lạc hậu, ít lên gân. Kịch Lưu Quang Vũ thường dựa vào biến cố, nhưng nó không phải yếu tố chính chi phối, đó chỉ là cái cớ để ông phát triển quan hệ con người, quan hệ xã hội”, Sỹ Tiến nói. Anh lí giải việc các nhà hát cứ “đâm đầu” chọn dựng lại Lưu Quang Vũ bởi câu chuyện mở rộng trí tưởng tượng của người xem, đạo diễn không bị bó hẹp ở biến cố xã hội ấy.

Nói vậy không có nghĩa cứ bê nguyên kịch bản của Vũ lên sân khấu là ổn. NSND Hoàng Dũng nói khán giả ngày xưa có thể xem ba tiếng, nay đạo diễn phải cố cắt gọt, rút tỉa sao cho chỉ tròm trèm hai tiếng. Cách đây mấy năm Bệnh sĩ của đạo diễn Tuấn Hải, Nhà hát Kịch Việt Nam khiến khán giả thích thú suốt trăm đêm diễn, nhưng những người thực hiện cũng phải rút ngắn thời gian, thêm những đoạn thoại và tình huống cười thắt ruột. “Vở diễn ngày nay tất nhiên phải mang cách vận động, thoại mới mẻ. Đối thoại kịch trước có tính văn học cao, bây giờ ta nói đời hơn”, NSND Hoàng Dũng chia sẻ.

Nguồn sáng trong đời diễn tại Nhà hát kịch Việt Nam từ 8-12/8. Nhà hát Tuổi trẻ diễn Ai là thủ phạm (18/8), Hoa cúc xanh trên đầm lầy (11, 19, 24, 25/8) và Lời thề thứ 9 vào 1/9. Ðêm thơ nhạc kịch Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại tại Nhà hát Lớn tối 26/8 do nhiều đơn vị phối hợp tổ chức.
Nguồn sáng trong đời là một trong những tác phẩm cho thấy rõ tư tưởng của Lưu Quang Vũ về lòng nhân ái, sự cao thượng, lẽ sống và bản chất của nghệ thuật. Toàn chấp nhận lên bàn mổ, giành giật một phần nghìn cơ hội sống từ cửa tử của căn bệnh ung thư, cũng đồng nghĩa với việc cho y học thêm ca thực nghiệm quý, mở hy vọng cho Lê Chí được nhìn thấy ánh sáng từ đôi mắt của Toàn nếu ca mổ thất bại. Thành công của người này bắt nguồn từ thất bại của người khác...
MỚI - NÓNG