Điện lưới thắp sáng đảo xa

Cty Điện lực Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thiện dự án trước Tết Ất Mùi. Ảnh: Q.N.
Cty Điện lực Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thiện dự án trước Tết Ất Mùi. Ảnh: Q.N.
TP - Những xóm nhỏ tối như mực ở Ngọc Vừng (Vân Đồn, Quảng Ninh) nay sắp có điện. Người dân háo hức chờ ngày điện thắp sáng xã đảo, chuẩn bị sắm tivi, tủ lạnh, chăm lo cuộc sống tốt hơn.

Ngọc Vừng sắp có điện

Trong những ngày rong ruổi trên xã đảo Ngọc Vừng, tôi lạc đến xóm nhỏ mang tên “xóm chó”. Xóm vốn tên Bình Minh, cái tên hay nhất trong 4 xóm của xã đảo, nhưng người dân quen gọi là “xóm chó”. Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, bà Lê Thị Được (62 tuổi) tủm tỉm cười, giải thích: “Xóm này nghèo, đêm đến tối tăm nhất xã nên người dân nuôi rất nhiều chó để bảo vệ đảo. Từ đó, mọi người gọi là xóm chó”.

Từ trụ sở UBND xã, men theo con đường bê tông giữa đồng lúa, tôi đặt chân đến xóm chó. Bước qua chiếc cổng xóm vừa xây, một đàn chó hàng chục con lao ra, con vàng, con đen, con lốm đốm… đủ cả. Những ngôi nhà cấp 4 xây bằng đá, phủ đầy rêu, mái ngói ngả màu đen vì năm tháng. Dọc đường vào xóm, những cột điện hạ thế, đường dây được kéo đến từng cổng nhà. Vừa xua đàn chó vây quanh khách lạ, chị Phạm Thị Dung cười nói: “Thói quen của cha ông để lại, nhà nào cũng nuôi nhiều chó bảo vệ đảo tránh người lạ mặt đột nhập vào ban đêm. Tới đây có điện, xóm chó được thắp sáng rồi, không khéo các chú chó cũng hết nhiệm vụ canh đêm”.

Người dân của xóm Bình Minh bao đời nay sống trên đảo bằng việc cấy lúa, trồng hoa màu. Mỗi năm trồng 2 vụ lúa, được mùa chừng 2 tạ/sào nhưng trái gió trở trời chỉ được vài chục cân. Người dân trong xóm nghèo, không có tiền đóng thuyền đánh cá, chỉ loanh quanh bắt con ốc, con cua.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UNBD xã Ngọc Vừng cho biết, xóm Bình Minh có 80 hộ dân đều nuôi nhiều chó. Mỗi nhà nuôi khoảng chục con, nhà ít nhất cũng tới 3 - 4 con. “Thói quen nuôi chó giúp người dân canh giữ xóm làng, phát hiện người lạ mặt, bảo vệ biển đảo có từ rất lâu”, bà Phượng nói.

Nhiều dự định

Gặp chị Hoàng Thị Thúy (27 tuổi) đang quây quần bên bếp lửa cùng hàng xóm trong ngày biển động giá rét. Vốn sinh ra lớn lên trên đảo, chị Thúy vào đất liền học nội trú tại trường cấp 3 Vân Đồn. Tốt nghiệp Đại học sư phạm tiểu học, chị trở về xã đảo, trở thành giáo viên cấp 1. “Khi quay về đảo dạy học, nhiều người bảo tôi dại quá, thoát được nơi tăm tối, chưa một ngày biết đến ánh điện, còn trở về làm gì nữa. Nhưng ngày ấy, giáo viên ở đảo chủ yếu từ đất liền ra, được một thời gian lại quay về, trường thiếu giáo viên nhiều lắm. Ra thành phố được sống đầy đủ, tiện nghi tôi nghĩ đến việc trở về dạy dỗ thế hệ trẻ gắng học tập, vươn lên thoát nghèo, thoát khổ, xây dựng đảo quê mình giàu đẹp lên”, chị Thúy tâm sự.

Gia đình chị Thúy dự định khi có điện lưới quốc gia sẽ mua tivi xem tin tức, xem phim và tiếp cận thông tin, nuôi dạy con cái học hành tốt hơn. Mẹ chồng chị Thúy tiếp lời: “Tết này giấc mơ có điện thành thật rồi, nhà tôi sẽ mua thêm tủ lạnh. Tết đến, mua thức ăn dự trữ để thắp hương cho tổ tiên và con cháu đi xa về ăn Tết”.

Cửa hàng tổng hợp của gia đình anh Phạm Văn Phong (41 tuổi) có đầy đủ mặt hàng từ thực phẩm tươi sống (rau, củ quả, cá, ốc, tôm...) đến đồ khô (dầu ăn, mắm muối, gia vị...) và cả quần áo, giày dép, sách vở, mỹ phẩm. Các mặt hàng như đồ điện tử, dây điện, điện thoại di động đều được anh Phong bày bán. Phía trước nhà là 3 chiếc máy nổ phát điện, mỗi tháng ngốn hơn 2 triệu tiền dầu. “Khi có điện, tôi sẽ xây dựng một đại lý tổng hợp, nhập thêm thiết bị điện tử như quạt, nồi cơm điện, máy giặt…về bán. Lô đất bên kia sẽ xây chuỗi nhà hàng, khách sạn, cung cấp dịch vụ đưa đón, ăn nghỉ cho du khách du lịch”, anh Phong cho biết.

Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, khi có điện lưới, Ngọc Vừng sẽ xây dựng dự án phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng để phát triển thế mạnh thiên nhiên, thắng cảnh với bãi tắm dài trên 3km, rừng nguyên sinh, thu hút khách du lịch, nâng cao đời sống người dân. Hơn 300 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu của Ngọc Vừng đồng lòng ký cam kết chặt cây, hiến hơn 400m2 đất để dựng trạm biến áp, kéo đường dây điện.

Theo ông Phùng Kim Đại, Phó Giám đốc Cty Điện lực Quảng Ninh, Dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn và xã Ngọc Vừng sẽ đóng điện trước ngày 15/12 với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Đây là cơ sở hạ tầng kỹ thuật ban đầu cho việc xây dựng và phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

MỚI - NÓNG