Điện lưới ra xã đảo Vân Đồn

Gấp rút thi công để đóng điện tại đảo Ngọc Vừng. Ảnh: Quỳnh Nga
Gấp rút thi công để đóng điện tại đảo Ngọc Vừng. Ảnh: Quỳnh Nga
TP - Cty điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đang gấp rút hoàn thành việc kéo điện lưới quốc gia ra các đảo thuộc huyện Vân Đồn, tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu để xây dựng nơi đây thành đặc khu kinh tế trọng điểm của nước ta.

5 xã đảo có điện

Ông Phùng Kim Đại, Phó Giám đốc PC Quảng Ninh cho biết, dự án cấp điện ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn (Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu) đều đóng điện trong tháng 12/2014. Dự án này được tỉnh Quảng Ninh, ngành điện quyết tâm thực hiện nhằm phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững vùng biển đảo, tiến tới xây dựng các xã đảo trở thành vùng có kinh tế năng động, trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển biển đảo của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia vùng biển Đông Bắc nước ta.

Hệ thống cấp điện ra 5 đảo được trích từ điểm nhánh của hệ thống cáp ngầm kéo từ đất liền ra đảo Cô Tô, điểm nhánh tại xã đảo Bản Sen. Từ đây, hệ thống truyền tải điện sẽ được kéo ra 4 đảo còn lại của huyện đảo Vân Đồn.

Tại xã đảo Bản Sen, sẽ xây dựng mới lưới tuyến đường dây trên không 1 mạch 22kV kết hợp cáp quang dài 33,136 km, một trạm cắt 22kV, 6 trạm biến áp 22/0,4 kV với tổng công suất 910kV, tuyến đường dây hạ áp 22,962 km. Dự án này có số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Tại 2 xã đảo Ngọc Vừng, Thắng Lợi, sẽ xây dựng mới gần 24km đường dây 22kV và 1 trạm cắt. Năm trạm biến áp mới 22/0,4kV sẽ được xây dựng với tổng công suất 1.110kVA. Hơn 15km đường dây hạ áp và 1.145 công tơ sẽ được xây dựng mới. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 97 tỷ đồng do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cấp. 

Dự án cấp nhánh rẽ 22kV và hệ thống lưới điện phân phối cấp điện cho xã Quan Lạn, Minh Châu có tổng vốn đầu tư 104 tỷ đồng từ vốn của Tổng Cty Điện lực miền Bắc. Dự án sẽ xây dựng 3 trạm cắt 22kV và 24km đường dây 22kV; 10 trạm biến áp 22/0,4 kV với tổng công suất 2.880 kVA; 22km đường dây hạ áp và lắp đặt 1.123 công tơ, đặt trong 510 hộp công tơ.

Vượt biển, băng núi

Theo ông Phùng Kim Đại, dự án cấp điện ra đảo khá thuận lợi vì đưa hệ thống cáp ngầm dưới biển ra đảo Cô Tô đã hoàn thành, đưa vào sử dụng ổn định hơn năm nay. Trong gần một năm lắp đặt hệ thống cáp ngầm kéo ra đảo Cô Tô, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư phải đối mặt với cơn bão số 10 năm 2013. “Đang lắp đặt hệ thống cáp ngầm thì bão về. Sau nhiều lần bàn bạc, chúng tôi quyết định sống chết trên biển để bảo vệ, thực hiện dự án”, ông Đại cho biết. 

Theo ông Đại, rô bốt cõng cáp được thả xuống đáy biển. Với đáy biển bằng cát, sau khi gạt cát xong, rô bốt sẽ thả cáp xuống. Với đáy biển bằng đá, khi rô bốt đào xong đường định vị, các chuyên gia sẽ lặn xuống đáy biển và hạ cáp ngầm. Cuộn dây cáp dài 23km, nếu dừng thi công vì bão sẽ phải ngắt cáp. Khi nối lại rất phức tạp, tốn nhiều kinh phí và ảnh hưởng đến tuổi thọ của cáp. Cuối cùng, cả đoàn chuyên gia, kỹ sư quyết định sẽ neo thuyền trên biển chống chọi với cơn bão. “Bão về, những con sóng cao phủ trùm con tàu, dây cáp neo tàu đứt phăng, cuốn trôi 4 con tàu ra xa vị trí neo đậu giữa biển. Gần 60 con người, quyết tâm ở biển giữ hệ thống cáp ngầm, phó mặc số mạng cho biển cả”, ông Đại kể. 

Theo thiết kế, nếu không có tác động từ con người, hệ thống cáp ngầm sẽ hoạt động hàng trăm năm chưa gặp sự cố. Khi hoàn thành việc kéo cáp ngầm trên biển, hệ thống truyền tải điện giữa các đảo sẽ thực hiện trên không. Tuy nhiên, hướng tuyến đi qua nhiều địa hình đồi núi cao, hiểm trở, nhiều khoảng vượt biển lớn (1.264m là điểm vượt lớn nhất) và cách xa đất liền khiến việc thi công gặp khó khăn. Cảng của các xã đảo nhỏ chủ yếu phục vụ đi lại của người dân nên khi thi công, nhà thầu phải vận chuyển vật tư theo con nước. Con nước về, đơn vị thi công đưa vật tư vào đảo, dùng sức người đưa từng bao xi măng, thùng cát sỏi lên đảo.

Một số cột có khoảng vượt lớn như khoảng vượt từ đảo Bản Sen sang đảo Ngọc Vừng dài tới 1.264m, phải bố trí cột sắt cao 98m nên việc thiết kế bản vẽ thi công khó khăn. Độ cao của cột lớn trong khi địa chất, địa hình phức tạp khiến đơn vị thi công phải đưa ra các phương án hợp lý nhất đảm bảo an toàn, chất lượng công trình.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.