Điện đánh thức biển đảo

Khi nguồn điện trên đảo Phú Quý được tăng cường và giá điện trên đảo bằng với đất liền, người dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Trong ảnh: Một doanh nghiệp sản xuất nước đá tại Phú Quý trang bị mô tơ điện công suất lớn thay thế máy
Khi nguồn điện trên đảo Phú Quý được tăng cường và giá điện trên đảo bằng với đất liền, người dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Trong ảnh: Một doanh nghiệp sản xuất nước đá tại Phú Quý trang bị mô tơ điện công suất lớn thay thế máy
TP - Nhiều hòn đảo phía Nam và Tây - Nam của tổ quốc đang được đánh thức nhờ dòng điện quốc gia cũng như những chính sách thích hợp của Chính phủ liên quan đến giá điện và việc chú trọng đầu tư của ngành điện.

Trỗi dậy mạnh mẽ

Ngày 15/11, UBND tỉnh Kiên Giang công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Phú Quốc là thành phố loại II. Từ cô gái lọ lem, đảo ngọc Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất, nằm ở vùng biển Tây - Nam Tổ quốc vụt trở thành công chúa.

Đúng 10 năm trước, ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 theo hướng trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển mình đi lên của Phú Quốc với nhiều nhà đầu tư mọi nơi đến đây tìm kiếm cơ hội.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư tại Phú Quốc chỉ thực sự trở nên sôi động và đi vào thực chất khi dự án đưa điện lưới quốc gia đến Phú Quốc bằng cáp ngầm 110 kV xuyên biển chính thức hoàn thành và đưa vào đầu tháng 2/2014. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), chủ đầu tư dự án cho biết, ngoài dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển với mức đầu tư 2.345 tỷ đồng, EVN SPC còn triển khai nâng công suất trạm 110kV Phú Quốc từ 1x40MVA lên 2x40MVA với tổng mức đầu tư là 29,57 tỷ đồng và công trình đã hoàn thành trong tháng 6/2014. Về lưới điện phân phối, EVN SPC cũng đã đầu tư 111,4 tỷ đồng xây dựng 82,8km đường dây trung thế và 109,2 km đường dây hạ thế 13,4MVA. Trong đó, có công trình cải tạo phát triển lưới điện khu vực Cửa Cạn, Gành Dầu (cấp điện cho Vinpearl) với tổng mức đầu tư 26,948 tỷ đồng và đã hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 10/2014.

Từ khi có điện lưới quốc gia, nhiều dự án đầu tư mới được cấp phép và nhiều dự án đã được ráo riết triển khai. Ban quản lý đầu tư dự án Phú Quốc cho biết, tính đến nay đã có 201 dự án đã được cấp phép, trong đó có 81 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 88.468 tỷ đồng. Nổi bật nhất trong các nhà đầu tư phải kể đến tập đoàn Vingroup. Trong vòng chưa đầy một năm tập đoàn này đã hình thành nên thiên đường du lịch Vinpearl tại Bãi Dài.

Theo ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, việc đầu tư hạ tầng, đặc biệt là điện quốc gia, cũng như đầu tư các dự án du lịch làm cho nền kinh tế Phú Quốc đạt mức tăng trưởng cao và ổn định với mức bình quân trên 22%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước đạt 7.000 tỷ đồng, gấp 8,75 lần năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người ở Phú Quốc năm 2014 ước đạt 82,5 triệu đồng, gấp 9,9 lần năm 2005; Lượng khách du lịch tăng bình quân hằng năm khoảng 13%, năm 2014 ước đạt 520.000 lượt khách, gấp 4 lần năm 2005. Thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 36%, năm 2014 ước đạt 963 tỷ đồng, gấp 22,5 lần năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo từ 6,3% năm 2005, giảm còn dưới 1,6% năm 2014.

Đầu tư lưới điện tạo động lực phát triển

Không riêng Phú Quốc, nhiều hòn đảo lớn khác ở khu vực phía Nam và Tây - Nam Tổ quốc như đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Qúy (Bình Thuận) cũng đã, đang có động lực mới để phát triển, nhất là kể từ tháng 6/2014, khi Chính phủ cho phép giá điện tại các đảo được kéo xuống ngang với giá điện đất liền. Ông Lê Minh Trung - Phó chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết, việc đưa giá điện ở đảo về ngang giá điện đất liền đã kích thích người dân trên đảo mua sắm, sử dụng các trang thiết bị điện phục vụ sinh hoạt, đồng thời là động lực cho các doanh nghiệp mở mang sản xuất.

Thời gian gần đây, ngành điện đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển nguồn và lưới điện tại các đảo kể trên. Hiện EVN SPC đang triển khai dự án đầu tư đường dây 22kV từ đất liền ra xã đảo Hòn Tre và lưới điện phân phối để cung cấp điện cho trung tâm hành chính huyện Kiên Hải với tổng mức đầu tư 73,6 tỷ đồng. Tại đảo Phú Qúy, năm 2014 EVN SPC đã đầu tư 14,594 tỷ đồng tăng cường nguồn diesel (2x1 MW) cung cấp cho đảo. EVN SPC cũng đang triển khai lập dự án đầu tư các công trình cảo tạo phát triển lưới điện và tăng cường nguồn diesel cung cấp cho huyện đảo Phú Quý khối lượng đầu tư bao gồm 42 km trung thế, 21 km đường dây hạ thế, tổng công suất trạm phân phối là 5MVA và tổng công suất nguồn tăng thêm là 03MVA với tổng mức đầu tư là 253 tỷ đồng. Tại Côn Đảo, EVN SPC đã tăng cường công suất các trạm biến thế phân phối có tổng công suất là 2,26MVA với tổng giá trị là 2,33 tỷ đồng. Đồng thời đang triển khai lập dự án đầu tư cải tạo phát triển nguồn diesel (2x1,5MW) với tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG