Tiềm năng còn ngái ngủ
Kiên Hải là một huyện đảo (tỉnh Kiên Giang), nằm trong khu vực biển Tây Nam của tổ quốc. Với 23 đảo lớn nhỏ, huyện Kiên Hải có tổng diện tích gần 30 km2, dân số gần 25.000 người. Huyện được chia thành 4 xã, gồm Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du; trong đó, trung tâm hành chính của huyện tọa lạc Hòn Tre, cách đất liền (thành phố Rạch Giá) 30km.
Nơi đây, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (bao gồm cả huyện Kiên Hải) đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Kiên Hải có nhiều tiềm năng về đánh bắt, chế biến thủy hải sản, du lịch sinh thái… Tuy nhiên, những tiềm năng này hiện vẫn còn ngủ yên. Trở lại Kiên Hải lần này, theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài những con đường giao thông quanh co trên các đảo đã được bê tông hóa nhiều hơn, huyện đảo chưa có nhiều thay đổi so với 5 năm về trước.
Nhịp sống người dân nơi đây vẫn bình lặng với những công việc truyền thống như đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nương rẫy và buôn bán nhỏ lẻ.
Ông Lê Minh Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết, nhằm đánh thức tiềm năng và thế mạnh của địa phương trong thực hiện mục tiêu chương trình phát triển kinh tế biển đảo của Chính phủ, huyện Kiên Hải đang tập trung huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước, liên lạc viễn thông, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ..., kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy hải sản…
Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, huyện đang xây dựng các dự án quy hoạch trung tâm thương mại thị trấn Hòn Tre, trung tâm chợ tại các xã; các khu du lịch nghỉ dưỡng; các dự án trọng điểm gồm âu thuyền trú bão, cầu cảng đủ điều kiện cho tàu hàng và tàu du lịch cập bến, đường giao thông quanh các xã...
Huyện cũng đang phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, giới thiệu những chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư….
Kéo điện thúc đẩy phát triển
Ông Lê Minh Trung xác định, một trong những yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện đảo là việc cung cấp đầy đủ, ổn định điện năng. Nguồn điện cung cấp cho toàn huyện đảo hiện tại là từ nguồn máy phát diesel, gồm với 11 máy, tổng công suất 1,94 MW. Trước đây, dân trên đảo phải trả giá điện khá cao, từ 5.500 đồng đến 11.000 đồng/kW và mỗi năm ngân sách tỉnh phải trợ giá điện cho toàn huyện gần 30 tỷ đồng.
Từ tháng 6 năm 2014, giá điện ở đảo bằng giá ở đất liền, đã kích thích nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên. Tuy nhiên, do các máy phát có công suất nhỏ, cũ kỹ, các trang thiết bị và hệ thống đường dây tải điện cũng đã xuống cấp, không thể cung cấp điện liên tục nên phải luân phiên cắt giảm để bảo đảm an toàn hệ thống.
Ông Phạm Thành Tuấn - Phó giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang (Tổng Công ty Điện lực miền Nam) cho biết, nhằm tăng cường và cung cấp nguồn điện ổn định từ điện lưới quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện hiện tại và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai ở huyện đảo Kiên Hải, Công ty Điện lực Kiên Giang triển khai đầu tư các dự án xây dựng tuyến đường dây 22 kV vượt biển dài 13 km đưa điện từ đất liền đến đảo Hòn Tre, đồng thời cải tạo lưới điện tại Hòn Tre với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Dự kiến, công trình đường dây này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2015.
Ông Nguyễn Đỉnh Sơn, chủ cơ sở gia công cơ khí, sửa chữa máy tàu đánh cá ở ấp 1, thị trấn Hòn Tre cho biết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở huyện đảo Kiên Hải đã chuẩn bị những kế hoạch làm ăn mới để đón đầu nguồn điện lưới quốc gia và cơ sở của ông cũng nằm trong số đó. Ngoài ra, đông đảo người dân trên đảo Hòn Tre cũng hân hoan đón chào nguồn điện mới bằng việc mua sắm dần những máy móc, trang thiết bị sử dụng điện để phục vụ sinh hoạt.
Không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, nguồn điện lưới quốc gia còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc an ninh quốc phòng biển đảo Tây-Nam Tổ quốc.